TP.HCM: 18/20 ca mắc bệnh Đậu mùa Khỉ dương tính với HIV

Tổng cộng có 20 ca bệnh Đậu mùa Khỉ đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 18 trường hợp mắc đồng thời hội chứng truyền nhiễm do HIV gây ra.
Khu vực cách ly, điều trị bệnh Đậu mùa Khỉ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 23/10, thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 20 ca mắc bệnh Đậu mùa Khỉ trên địa bàn từ đầu năm 2023 đến nay có 18 ca chẩn đoán nhiễm đồng thời HIV.

Cùng với đó, Sở Y tế Thành phố cảnh báo các dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn đang ở mức cao.

Tính đến 16 giờ ngày 22/10, tổng cộng có 20 ca bệnh Đậu mùa Khỉ đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 18 trường hợp mắc đồng thời hội chứng truyền nhiễm do HIV gây ra.

[TP.HCM: Ghi nhận 19 ca đậu mùa khỉ, ca mắc sốt xuất huyết gia tăng]

Hiện hai trường hợp có diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, ápxe phổi, mủ màng phổi, nhiễm trùng da.

Liên quan đến công tác điều trị, mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm với các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Trong 9 tháng năm 2023 tại khu vực phía Nam, công tác thu dung, điều trị cơ bản được đảm bảo.

Các địa phương có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân và đã chủ động trong đảm bảo nguồn cung ứng thuốc điều trị người bệnh.

Các bệnh viện đa khoa tuyến cuối và các bệnh viện nhi của các tỉnh/thành được sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu góp phần nâng cao được năng lực điều trị tại chỗ, kịp thời cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng ngay tại địa phương.

Tuy nhiên, một số bệnh viện chuyên khoa sản-nhi ở một số tỉnh trong khu vực vẫn chưa có đủ các thuốc thiết yếu (như gamma globulin, phenobarbital, milrinone).

Có bệnh viện tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu... nên chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho các bệnh nhi ngay khi chuyển nặng, buộc phải chuyển viện, dẫn đến tình trạng chuyển bệnh không an toàn, bệnh nhân không được điều trị kịp thời khiến biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Số liệu thống kê cho thấy khoảng 70% bệnh nhi điều trị các bệnh truyền nhiễm tại 4 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh là từ các tỉnh, thành khác chuyển về.

Việc chuyển bệnh hàng loạt lên Thành phố đồng thời gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.

Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy năng lực điều trị, khẩn trương mua sắm đầy đủ thuốc, vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu để điều trị tay chân miệng và sốt xuất huyết nhằm đảm bảo công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh ngay tại chỗ.

Các bệnh viện tuyến dưới cần chủ động hội chẩn từ xa các ca bệnh khó với các bệnh viện tuyến cuối, hạn chế tình trạng chuyển viện không an toàn.

Đối với các trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch quá khả năng điều trị và cần thiết phải chuyển viện đến các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện cần hội chẩn trước khi chuyển và bố trí đầy đủ về phương tiện, trang thiết bị y tế, theo dõi sát tình trạng người bệnh, đảm bảo người bệnh được chuyển viện an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong trong quá trình chuyển viện, hạn chế tình trạng để bệnh nhân di chuyển tự túc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục