Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số với mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.
Đây là thông tin được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại hội thảo "Chiến lược thành phố thông minh Việt Nam với định hướng phát triển xanh và bền vững," diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/4.
Cụ thể, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã ban hành Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; Chương trình chuyển đổi số; Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020-2030...
Những cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng dữ liệu số này không chỉ để đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong phát triển đô thị thông minh, mà còn mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của thành phố để có thể vươn lên sánh tầm với đô thị lớn trong khu vực và các quốc gia khác.
Ông Dương Anh Đức chia sẻ thêm nhằm giữ vững đầu tàu, tạo động lực cho quá trình phát triển vùng và đóng góp cho cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những bước đi đột phá, hội nhập quốc tế và bám sát sự phát triển chung của toàn cầu. Theo đó, thành phố ngoài tập trung phát triển đều trên mọi lĩnh vực, nhưng cũng xác định động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế-xã hội là khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu… Bên cạnh đó, thành phố cũng không ngừng tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ để tiến tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Văn phòng phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, bàn về giải pháp phát triển đô thị thông minh thì thường bàn rất nhiều đến công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nhưng trong đô thị thông minh thì một yếu tố quan trọng không thể thiếu là cơ sở dữ liệu. Chỉ với quyết tâm không chưa đủ, mà Chính phủ và các địa phương cần học hỏi những bài học kinh nghiệm trong xây dựng thành phố xanh và đô thị thông minh của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm xây dựng nên chiến lược tối ưu.
Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng nhất của chuyển đổi số và hệ sinh thái số trong đô thị thông minh, đồng thời lộ trình triển khai hệ sinh thái số dựa trên dữ liệu chuyển đổi số thị thông minh. Trong đó, lãnh đạo số và văn hóa số cần dựa trên dữ liệu cho đô thị thông minh, hạ tầng phân tích dữ liệu là điều quan trọng.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, cho rằng xây dựng nền tảng dữ liệu là mục tiêu cốt lõi trong chuyển đổi số nói chung và đô thị thông minh nói riêng. Một chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu thường gồm: phương thức thu thập dữ liệu, chính sách lưu trữ cho cơ sở dữ liệu, đảm bảo chất lượng dữ liệu, phương thức truy xuất dữ liệu…
Liên kết và quản lý các tài sản cơ sở dữ liệu sẽ mang lại giá trị kinh tế-xã hội cho quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, ngược lại nếu cơ sở dữ liệu không chất lượng thì không thể có một mô hình hay ứng dụng số hiệu quả. Chính vì vậy, mỗi tài sản dữ liệu là một chuỗi được xây dựng, phát triển và thực hiện đồng bộ theo một kế hoạch để duy trì và cải thiện chất lượng, cũng như tự động hóa dữ liệu.
Liên quan đến kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, ông Kang Yo Silk, Chủ tịch Nền tảng kỹ thuật số Seoul, Hàn Quốc, chỉ ra rằng mỗi đô thị cần có những chính sách để mọi công dân đều hưởng lợi từ chuyển đổi số quốc gia, sẽ nhận được sự hưởng ứng và đồng hành của người dân sinh sống và làm việc tại đô thị đó. Ngoài ra, xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những giải pháp quan trọng, giúp thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra những mô hình ở từng lĩnh vực, ngành nghề.
Cùng với chính sách hỗ trợ cho cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, thì các chương trình khuyến khích người dân ứng dụng AI sẽ thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh, bởi chuyển đổi số trong bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng mang lại lợi ích kinh tế cho cả quốc gia lẫn người dân. Tại Seoul-Hàn Quốc, đối với những nhóm người yếu thế gặp cản trở tiếp cận AI, chính quyền thực hiện chính sách phổ cập kiến thức và hướng dẫn, nhằm tạo điều kiện cho họ trải nghiệm công cụ AI nơi công cộng hay trong đời sống hàng ngày.
Về phía bộ ngành, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ở Việt Nam cũng là vấn đề không còn mới. Chính phủ cũng đã có chủ trương, chính sách, nên các địa phương cần thống nhất nhận thức chung phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung giải quyết những vấn đề lớn như giao thông, môi trường, năng lượng, an sinh xã hội…
Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên những ứng dụng công nghệ có tính đổi mới sáng tạo, chứ không phải là một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của những cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, không chỉ trong ngắn hạn, cần nhiều nguồn lực của cộng đồng xã hội.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh phát triển đô thị thông minh đòi hỏi phải nhận thức đúng và đủ để tiếp cận một cách tổng thể, xác định rõ bài toán của đô thị để có lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số địa phương. Trong đó, các địa phương phải xác định hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và nhất là hạ tầng dữ liệu như một hệ thống hạ tầng thiết yếu của đô thị và là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng khác.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5/2024. Trong đó, dự thảo tập trung làm rõ các cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia, bộ, ngành, địa phương và mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu dùng chung với kết nối, chia sẻ, đảm bảo dữ liệu trong cơ quan Nhà nước được quản lý thống nhất./.