TP Hồ Chí Minh: Vì sao các chợ và trung tâm thương mại vắng khách?

Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh lý giải về tình trạng sức mua giảm sâu tại các chợ truyền thống và nhiều trung tâm thương mại bỏ trống mặt bằng vì vắng khách.
TP Hồ Chí Minh: Vì sao các chợ và trung tâm thương mại vắng khách? ảnh 1Sức mua tại các siêu thị khá hạn chế. (Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN)

Theo phản ánh của các tiểu thương chợ truyền thống và trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM, thời gian gần đây, sức mua ở những thị trường này giảm sâu, nhiều trung tâm thương mại vắng khách, bỏ trống mặt bằng.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố chiều 23/3, ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Tổng hợp của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh lý giải: Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn cũng như thực tế những biến động trong điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ trong nước

Theo ông Lê Đình Hiếu, hiện nay, tình hình kinh tế các nước nói chung đều gặp khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây có khủng hoảng ngân hàng và trái phiếu ở Mỹ. Trong khi đó, tình hình chiến sự Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Vì vậy, giao thương giữa các nước có nhiều biến động, khó khăn.

Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập khá sâu nên các doanh nghiệp không tránh khỏi ảnh hưởng. Đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động, đơn hàng cũng có phần suy giảm. Tình trạng công nhân giảm việc, ít tăng ca hơn trước khiến thu nhập cũng vơi đi dẫn đến sức mua giảm. 

[Doanh nghiệp TP.HCM tung hàng loạt phương thức kích cầu mới]

Phân tích về tình hình kinh tế, thương mại trong nước, đại diện Sở Công Thương chia sẻ: do những biến động của tình hình trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua khi nhiều doanh nghiệp vi phạm, dẫn đến những điều chỉnh về chính sách điều hành tài chính, tiền tệ. Lãi suất vay ngân hàng tăng cao, đặc biệt là khoản vay tiêu dùng và thế chấp là nguyên nhân người dân phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiêu dùng cơ bản, thiết yếu là nguyên nhân tác động khiến sức mua giảm.

Mặt khác, người dân cũng vừa chi tiêu nhiều cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên xuất hiện tình trạng như "thờ ơ" với mua sắm như phản ánh, tuy nhiên không đến mức trầm trọng, ông Lê Đình Hiếu lý giải thêm.

Bên cạnh đó, sức mua tại các chợ và trung tâm thương mại cũng bị ảnh hưởng do việc phát triển ngày càng mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử... tạo nên sự phong phú, đa dạng các phương thức kinh doanh qua nền tảng mạng đã thu hút không ít người tiêu dùng chuyển qua mua hàng trực tuyến.

"Việc người tiêu dùng ít đến các trung tâm thương mại, chợ truyền thống hơn cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực mà đó là một phần xu hướng phát triển của thị trường hiện nay," ông Lê Đình Hiếu nhận định.

Thực tế này cũng đặt ra cho khu vực tiểu thương tại các chợ truyền thống và các Trung tâm thương mại những thách thức cạnh tranh mới và có những thay đổi để thích ứng với xu hướng phát triển của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục