Ngày 23/8, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Di sản cho mai sau” và “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tinh hoa đạo học Việt Nam."
Không gian trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, di sản cho mai sau” với 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, giới thiệu dấu mốc quan trọng trở thành di sản thế giới vào năm 2010 của khu di sản và những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh.
Tại đây cũng giới thiệu hệ thống các di tích và hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long trải qua hơn 1.000 năm lịch sử như Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu... Đặc biệt tại đây làm nổi bật bộ sưu tập hiện vật rồng, phượng; bộ sưu tập qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Trưng bày “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu-Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi chập chững học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước.
Ngoài những tư liệu khoa học và tranh ảnh, trưng bày còn đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như, trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, Trí tuệ Nhân tạo (AI)…
Em Lê Nguyễn Hồng Anh, học sinh lớp 10 chuyên Sinh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa, chia sẻ trước đây em đã tới Hà Nội nhưng chưa có cơ hội đến Hoàng thành Thăng Long. Em ấn tượng với kiến trúc và mỹ thuật của các triều đại thời xưa. Trưng bày lần này giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết trưng bày “Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Di sản cho mai sau” và “Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tinh hoa đạo học Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động thiết thực, góp phần quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo, trường tồn của Thăng Long-Hà Nội.
Thông qua trưng bày, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu tới khách tham quan và công chúng Thành phố Hồ Chí Minh di sản quý giá của Thăng Long-Hà Nội, đặc biệt là những di sản được UNESCO vinh danh. Đó là Di sản Văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội; Di sản tư liệu thế giới 82 bia Tiến sỹ triều Lê-Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long-Hà Nội. Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của tinh hoa đạo học, nơi hun đúc truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Trưng bày cùng các hoạt động văn hóa trong chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Thủ đô Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong việc phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản văn hóa, du lịch, kinh tế của cả hai thành phố.
Các hoạt động trưng bày mở cửa phục vụ du khách, công chúng đến ngày 31/10./.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua tranh màu nước đầy sống động và giàu cảm xúc
Tranh màu nước có vẻ đẹp và sự sống động riêng có, không chỉ bởi công sáng tác của họa sỹ, mà còn ở những đường nét rất riêng khi màu nước tự loang ra trên giấy.