TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%.
TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ảnh 1Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Ngày 27/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khi thực hiện Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 14/11/2018, có hiệu lực từ ngày 24/11.

Quyết định này quy định việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn theo từng giai đoạn, trong đó từ năm 2018 đến 2020, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai phân loại theo lộ trình tại địa phương; sau năm 2020, việc phân loại được triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại, bao gồm chất thải rắn hữu cơ là chất thải dễ phân hủy như thức ăn thừa, xác động vật, bã trà, cà phê…, được bỏ vào bao bì có dán nhãn nhận biết hoặc bao bì màu xanh, màu trắng, chứa trong thùng rác màu xanh và được chuyển đi xử lý thành phân bón hữu cơ.

Chất thải còn lại bao gồm vỏ giấy kẹo, bánh, đồ gốm, đồ thủy tinh, quần áo cũ… được để vào bao bì có dán nhãn hoặc bao bì màu đen, chứa trong thùng rác màu xám và xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt phát điện.

Trong khi đó, chất thải tái chế gồm giấy báo, tạp chí, thùng carton, sắt thép, săm lốp…, người dân có thể bán, tặng cho đơn vị thu gom hoặc bỏ chung vào rác thải còn lại.

Các địa phương tổ chức thu gom chất thải hữu cơ vào thứ 2,4,6, chủ nhật hàng tuần, chất thải còn lại được thu gom vào thứ 3, 5,7 hàng tuần. Tùy vào tình hình thực tế và khối lượng chất thải phát sinh mà các địa phương tăng hoặc giảm số ngày thu gom trong tuần.

TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ảnh 2(Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại, nếu hộ gia đình không thực hiện bị nhắc nhở từ 3 lần trở lên/tuần thì đơn vị thu gom thông báo Ủy ban nhân dân phường, xã xử lý theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là quá trình lâu dài và đã được thành phố thực hiện từ nhiều năm qua.

[Mitsubishi muốn xây nhà máy biến rác thành năng lượng tại TP.HCM]

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ra đời đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, góp phần giải quyết vấn đề môi trường trên địa bàn thành phố.

Các địa phương cần nắm bắt số lượng chất thải hữu cơ, chất thải còn lại phát sinh hàng ngày trên địa bàn để đề ra lộ trình thu gom phù hợp, đồng thời quan tâm đến việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp trên địa bàn.

Chia sẻ về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Quách Kiều Long, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 3 cho biết theo kế hoạch quận 3 chỉ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở 2 phường nhưng nay đã mở rộng thực hiện tại 7 phường.

TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ảnh 3Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nhơn Phú (quận 9), phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Số lượng chất thải hữu cơ chiếm 30% trong tổng khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày nên quận 3 thực hiện thu gom rác mỗi ngày.

Hiện các đơn vị thu gom ở địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nhơn Phú, quận 9 cho biết: Nếu thực hiện chuyển đổi phương tiện theo Quyết định số 44 thì chi phí vượt quá khả năng của đơn vị thu gom, cần thực hiện gia hạn thời gian vay kéo dài, giảm vốn đối ứng trong vay vốn chuyển đổi phương tiện.

Bên cạnh đó, nếu chuyển đổi phương tiện vận chuyển sang các loại xe lớn thì chỉ được lưu thông từ sau 21 giờ sẽ tác động đến thời gian thu gom, vận chuyển, ảnh hưởng đến việc phát tán mùi hôi.

Nhằm giải quyết những vướng mắc của các địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển thông qua vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường, từ các ngân hàng, quỹ tín dụng.

Đối với khung giờ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được phân loại, sở sẽ làm việc với các sở ngành để các phương tiện được lưu thông thuận lợi. Các địa phương cũng có thể làm việc trực tiếp với Sở Giao thông vận tải về khung giờ lưu thông của các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thí điểm ở 6 quận, huyện từ năm 2015, đến năm 2017 triển khai ở 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố, mỗi địa phương thực hiện tại 2-5 phường, xã, thị trấn.

Hiện, toàn thành phố thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện.

Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục