TP Hồ Chí Minh: Thương mại tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP Hồ Chí Minh năm 2024 đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023 trong khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2024 tăng 3,19% so với cùng kỳ.
Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm thực phẩm thiết yếu hàng ngày. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động thương mại năm 2024 của thành phố tiếp tục hồi phục và duy trì xu hướng tăng trưởng. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,6%).

Năm 2024 là năm thứ hai thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường thực hiện theo quy chế, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm quy định của chương trình; đồng thời chương trình cũng góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá trong năm 2024.

Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2024 của thành phố chỉ tăng 3,19% so với cùng kỳ; thấp hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 3,69%).

Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, một số giải pháp trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của ngành là tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là nhóm mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, tiêu dùng thiết yếu…

Đối với những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát... ngành công thương cũng chủ động có phương án hoặc để xuất với sở nành liên quan biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Cùng đó, vận động nhà bán lẻ, doanh nghiệp đẩy mạnh chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng, áp dụng đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Song song đó, tăng cường tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, ứng dụng thanh toán không tiền mặt, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu và trao tặng “Giỏ quà yêu thương” đến những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục