Chiều 12/1, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị dự án đầu tư đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Các địa phương đã thống nhất và ký kết kế hoạch trình dự án đường Vành đai 4 vào cuối 2023.
Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 200km, đi qua địa bàn 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và kết thúc tại cảng Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh).
Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đoạn Phú Mỹ-Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18km; Đồng Nai thực hiện đoạn Bàu Cạn-cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45km; Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên-sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49km.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn-kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh), chiều dài khoảng 71km.
[Đường vành đai Hà Nội, TP.HCM: Mở ra không gian tăng trưởng mới]
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dự án do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền; đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thống nhất kế hoạch được nêu ra là cuối năm 2023 sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư dự án. Tháng 6/2024 phê duyệt dự án và đến cuối năm 2024 duyệt thiết kế kỹ thuật.
Các địa phương sẽ phấn đấu khởi công Vành đai 4 dịp 30/4/2025 - mốc thời gian rất ý nghĩa. Theo tiến độ này, đến năm 2028 sẽ hoàn thiện dự án.
"Sau hội nghị này, tôi sẽ đăng ký làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất hình thức, đầu mối trình dự án," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương cần xác định tiến độ để cơ bản hoàn thành hai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 trước năm 2030. Để đạt mục tiêu trên, các địa phương cần "xốc" vào triển khai cùng với đơn vị tư vấn, trong đó sớm có định hướng về quy mô, nguồn vốn, hướng tuyến dự án Vành đai 4 để tập trung nghiên cứu.
Tại hội nghị, các địa phương và chuyên gia cũng trao đổi, thống nhất cơ chế về vốn cho dự án có sự tham gia của Trung ương, địa phương và nhà đầu tư. Về sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án; trình Quốc hội cho phép có cơ chế đặc biệt đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết tỉnh Đồng Nai thống nhất với kế hoạch triển khai Vành đai 4 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất. Hiện Vành đai 4 đoạn qua Đồng Nai cơ bản xác định xong hướng tuyến với đơn vị tư vấn, chỉ còn xác định về chi phí đầu tư.
Liên quan dự án Vành đai 3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết các địa phương đã phối hợp tốt trong công tác trao đổi thông tin, lấy ý kiến, phản hồi ý kiến góp ý kịp thời theo kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai thực hiện dự án. Áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc biệt được Quốc hội và Chính phủ cho phép, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án.
Hiện các địa phương cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phối hợp tham mưu trình Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án./.