Tối 10/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có báo nhanh về xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
Từ ngày 4-9/9, các Trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận khẩn cấp 131 trẻ.
Trong số đó, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân tiếp nhận 26 nam và 20 nữ (gồm 12 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 12 trẻ từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi; 22 trẻ độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi).
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận 7 nam và 9 nữ (gồm 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 1 trẻ từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi). Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình tiếp nhận 19 nam và 13 nữ (gồm 26 trẻ từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi; 5 trẻ từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 1 trẻ 10 tuổi).
Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp nhận 25 nam và 12 nữ (gồm 35 trẻ từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi; 1 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 1 trẻ 3 tuổi).
Trong tổng số 131 trẻ có 85 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng (tại địa chỉ L52 Tô Ký, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12) do bà Giáp Thị Sông Hương là người đại diện pháp luật; 24 trẻ sơ sinh tại Chùa Phật Bửu (tại địa chỉ 137/9 đường Nguyễn Thị Nê, ấp Cây Trâm 2, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) và 22 trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (tại địa chỉ 57/8 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh) đều do sư cô Thích Nữ Chúc Từ (Lê Thị Thu Hoa) trụ trì chùa Phật Bửu cũng là người đại diện pháp luật Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, việc phối hợp với các địa phương đưa các trẻ về các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở nhằm đảm bảo công tác nuôi dưỡng, điều trị bệnh lý và tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe, biểu hiện tâm lý, thăm khám, chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm độ tuổi.
Trước đó, qua phản ánh của báo chí và người dân địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Nhân dân Quận 12, Bình Thạnh, huyện Củ Chi cùng các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhanh các trường hợp sai phạm, bạo hành trẻ em trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại 3 cơ sở trên.
Đối với cơ sở bảo trợ giúp Mái ấm Hoa Hồng, cơ quan chức năng Quận 12 đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập và thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở trợ giúp Mái ấm Hoa Hồng.
Phòng Nội vụ Quận 12 tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.
Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Diệp Ngọc Tuyền, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm liên quan trực tiếp đến việc bạo hành trẻ và tiếp tục củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ, do vi phạm quy định các điều kiện hoạt động trong quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở nên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cũng đã đề nghị huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh đưa 46 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân thuộc Sở để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng và đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương xác minh làm rõ vụ việc.
Vào ngày 9/10, các cơ quan chức năng quận Gò Vấp cũng đã tiến hành kiểm tra Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ 2 (địa chỉ số 252/8 Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp) do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận cấp giấy phép hoạt động.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở không hoạt động kể từ thời điểm được cấp phép, do đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đối với Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ 2.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những ngày đầu tháng 9/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh có 80 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dạy trẻ (mới thành lập thêm 1 cơ sở ngoài công lập); trong đó có 16 cơ sở công lập và 64 cơ sở ngoài công lập.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tuần, đã có 2 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập kể từ khi xảy ra vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng (ngày 4/9).
"Từ những vụ việc trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố, bảo đảm theo đúng quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể, quản lý các sở trợ giúp xã hội và các quy định khác của pháp luật về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền," ông Nguyễn Tăng Minh chia sẻ./.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH: Vụ việc Mái ấm Hoa hồng liên quan đến công tác quản lý
Qua vụ việc Mái ấm Hoa Hồng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, rà soát trên cả nước, những cơ sở chưa có giấy phép buộc phải dừng hoạt động.