TP Hồ Chí Minh: Tăng khuyến mại tạo hiệu ứng lan tỏa kích cầu tiêu dùng nội địa

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, định hướng thói quen tiêu dùng bằng giải pháp đa dạng hoạt động kích cầu sẽ tạo được hiệu ứng, tăng sức mua nội địa.
Khu vực bày bán sản phẩm trái cây vùng miền tại siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm đẩy mạnh sức mua trên thị trường trong những tháng cuối năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng thực hiện chương trình khuyến mại tập trung để tạo hiệu ứng lan tỏa kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đồng thời, thành phố cũng mở rộng chương trình đến người dân, doanh nghiệp, liên kết các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam và trên cả nước trong đẩy mạnh sức mua hàng hóa nội địa, sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất xanh.

Duy trì sức mua

Thống kê từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong tháng Năm vừa qua tiếp tục tăng trưởng, với nguồn cung hàng hóa dồi dào và đa dạng chủng loại. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm vừa qua đạt 93.240 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Bước sang tháng Sáu này, để đẩy mạnh sức mua trên thị trường nội địa, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 2690/KH-UBND ngày 15/5/2024 về việc tổ chức Chương trình khuyến mãi tập trung-Mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 (đợt 1 từ ngày 15/6-15/9 tới và đợt 2 từ ngày 15/11-31/12 tới).

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2024,” đợt 1 của Chương trình khuyến mại tập trung-Mùa mua sắm “Shopping Season” sẽ tiếp tục đảm bảo mục tiêu tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng trong tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chương trình góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm mua sắm hiện đại và phát triển kinh tế bền vững.

Đặc biệt, Chương trình khuyến mãi tập trung-Mùa mua sắm “Shopping Season” sẽ đồng hành cùng “Chương trình Ngày không tiền mặt vào ngày 16/6 tới” trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp liên ngành, cộng đồng doanh nghiệp và những đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố để từng bước hình thành mùa mua sắm thường niên, thu hút sự tham gia của người tiêu dùng, du khách…

Ghi nhận thực tế tại hệ thống MM Mega Market, Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng Sáu này đang diễn ra nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt như giá mỹ phẩm giảm sốc, đồ gia dụng thương hiệu riêng Besico giảm 50%… Ngoài ra, tại MM Mega Market còn ngập tràn trái cây mùa hè với đa dạng nông sản địa phương như măng cụt Trà Vinh, vải Bắc Giang, quýt đường Đồng Tháp, cam sành Tiền Giang… được bán với giá ưu đãi dành cho người tiêu dùng.

Vừa qua, MM Mega Market cũng tiếp đón đoàn công tác của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xúc tiến phân phối sản phẩm bơ sáp 034 trồng tại Đà Lạt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua sự kiện, MM Mega Market hỗ trợ nhà cung cấp địa phương tìm hiểu về quy trình kiểm tra chất lượng, đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cũng như tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Đại diện MM Mega Market cho biết đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông-đặc sản địa phương bằng hoạt động kích cầu tiêu dùng là hoạt động nằm trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng bền vững “Từ nông trại đến bàn ăn.” Qua đó, MM Mega Market góp phần vận động nông hộ tham gia vào quy trình sản xuất an toàn, có hệ thống đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Thúc đẩy tiêu dùng xanh

Trong tháng Sáu này, Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã “bắt tay” với nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường giới thiệu phong phú nhóm ngành hàng đến người tiêu dùng với hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng và giảm giá. Trong số đó, có thể kể đến những sản phẩm của Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, New Toyo Pulppy, Dược phẩm OPC, Bibica…

Mận hậu tỉnh Sơn La bày bán tại Saigon Co.op TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ sản xuất và tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, còn riêng tại Việt Nam thì phong trào “xanh hóa” cũng được đẩy mạnh phát triển trên cả nước. Đến nay, các phong trào sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đã góp phần gia tăng ý thức sản xuất và tiêu dùng hướng đến môi trường của doanh nghiệp, người dân; trong đó, Saigon Co.op luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong.

Cụ thể, Saigon Co.op đã ngừng sử dụng túi nylon khó phân hủy thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học để đựng hàng hóa cho khách hàng, khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng nhiều lần, túi môi trường khi mua sắm tại hệ thống điểm bán của Saigon Co.op.

Song song với đó, Saigon Co.op khuyến khích người tiêu dùng thay thế sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… bằng sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường như bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường; vận động nhà cung cấp, đối tác chuyển đổi sản xuất xanh… dựa trên nhiều cơ chế chính sách ưu đãi và kích cầu tiêu dùng xanh.

Liên quan đến thúc đẩy tiêu dùng xanh, một số chuyên gia cho hay, ngày càng nhiều nhà bán lẻ xây dựng được cơ chế chính sách tối ưu hóa lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp tham gia, ngoài những chương trình hỗ trợ của địa phương và Chính phủ.

Với vai trò là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, nhà bán lẻ đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ về giá bán khuyến mãi, mà còn dành riêng khu vực trưng bày sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường; còn người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn nhóm sản phẩm này.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Hà, cư ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng trong thời gian gần đây, sự cộng hưởng mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ… cho đến người tiêu dùng đã góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh. Điều này cũng tạo ra một hệ sinh thái thương mại xanh, với doanh nghiệp xanh và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân theo xu hướng thân thiện môi trường.

Tương tự, nhiều người tiêu dùng khác tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá nhờ những chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi vừa được tổ chức luân phiên, vừa tập trung vào nhóm hàng hóa nội địa, nhất là nông-đặc sản địa phương, sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường… đã thu hút được sự quan tâm của họ trong quá trình mua sắm.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, định hướng thói quen tiêu dùng bằng giải pháp đa dạng hoạt động kích cầu sẽ tạo được hiệu ứng và tăng sức mua trên thị trường nội địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục