Tại buổi họp báo chiều 23/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn.
Trong ngày 22/9, thành phố ghi nhận thêm 5.435 trường hợp mắc COVID-19 mới. Số lượng bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày tại Thành phố Hồ chí Minh đang có xu hướng giảm dần.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân nặng, cần thở máy đang ngày càng giảm.
Nếu như ngày 18/9, thành phố ghi nhận có 2.350 bệnh nhân nặng phải thở máy thì đến ngày 20/9 giảm xuống 2.234 ca và ngày 22/9 thì chỉ còn 2.056 trường hợp phải thở máy.
Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.
[TP.HCM chuẩn bị kỹ cho điều kiện “bình thường mới” và phục hồi kinh tế]
Trong vòng 24 giờ qua, số ca COVID-19 tử vong trên địa bàn là 175 trường hợp, giảm đáng kể so với nhiều ngày liền kề trước đó.
Bên cạnh đó, Thành phố có 3.258 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện trong ngày qua. Con số bệnh nhân xuất viện trên địa bàn cũng tăng cao so với những ngày trước.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, truy vết các F0, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết tỷ lệ các ca dương tính phát triển trong đợt xét nghiệm diện rộng cũng giảm đáng kể so với khoảng thời gian trước đó.
Hiện ngành y tế thành phố đang triển khai xét nghiệm diện rộng trong 7 ngày, kể từ ngày 22-29/9 với các vùng nguy cơ.
Kết quả bước đầu về tỷ lệ dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm như sau: ở vùng xanh, tỷ lệ ca dương tính là 0,1%; cận xanh 0,3%; vàng 0,3%; cam 0,5%; và đỏ là 0,7%.
Trong khi đó, tỷ lệ dương tính tại vùng đỏ trong đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trước đó (23/8 đến 15/9) có đợt lên tới 3,6%, thấp nhất cũng có tỷ lệ dương tính là 1,3%.
Đối với vấn đề truy vết đối với các trường hợp tiếp xúc gần với F0, đại diện HCDC cũng cho biết thành phố vẫn tiếp tục truy vết và quản lý F1. Công tác này được thực hiện song song với việc quản lý F0.
Hiện thành phố có khoảng 19.000 trường hợp là F1 được phát hiện qua truy vết. Ngoài ra còn các trường hợp F1 sống chung với F0 sẽ được quản lý chung với F0.
Để chuẩn bị cho cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan nhà nước đi làm trở lại, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này đã xét duyệt giấy đi đường cho hơn 7.500 người lao động từ 17 sở, ngành trên địa bàn.
Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang cập nhật thông tin vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông.
Để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy thông hành không đúng mục đích, Công an thành phố cũng đề xuất phương án giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phép lưu thông đến trụ sở làm việc theo thời gian từ 6 giờ 30-8 giờ và 16 giờ 30-18 giờ và tuyến đường được phép lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Theo Công an Thành phố, các trường hợp ra đường thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp. Trường hợp đổi ca, bị mắc COVID-19 thì sẽ được đổi giấy.
Trong trường hợp đặc biệt hơn do yêu cầu công việc sẽ được Công an thành phố xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết cho từng đơn vị.
Đối với việc tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện đơn vị này đang tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch tái cấu trúc này trong điều kiện bình thường mới.
Đối với khu vực vùng xanh như quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi sẽ sớm được chuyển đổi thành bệnh viện bình thường và giao việc điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các bệnh viện điều trị chuyên biệt.
Riêng tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi sẽ không nhận bệnh nhân mới kể từ ngày 23/9 để giải quyết bệnh nhân nặng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi./.