Chiều 18/3, báo cáo với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay Thành phố đã phát triển hơn 3.170 điểm bán thuốc bình ổn, chiếm khoảng 65% trong tổng số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn.
Các điểm bán thuốc bình ổn gồm các điểm bán tư nhân, nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp, đại lý... Trong đó, các điểm bán thuốc đều thực hiện nghiêm túc quy trình bán thuốc bình ổn không cao hơn giá niêm yết, nhiều nhà thuốc bệnh viện bán thuốc bình ổn với giá thấp hơn giá bán quy định khoảng 5% và và bán đúng giá được phê duyệt; đồng thời trang bị đầy đủ băng-rôn, bảng giá.
Mặt khác trong năm 2014, sở Y tế đã tích cực triển khai được một số đại lý thuốc đảm bảo có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc còn hiệu lực tham gia Chương trình ở vùng sâu, vùng xa, ngoại thành, khu công nghiệp, khu dân cư nghèo nhằm nâng cao khả năng phục vụ người dân tại những địa bàn này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố, cho biết các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2014 và Tết 2015 đều là những đơn vị uy tín trong lĩnh vực sản xuất và phân phối dược phẩm, có đội ngũ nhân viên tiếp thị và giao hàng khá lớn và hoạt động rộng khắp các địa bàn, đặc biệt ở khu vực ngoại thành.
Về chất lượng thuốc bình ổn, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc quy định trong sản xuất, dự trữ nguồn hàng, cung ứng đầy đủ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, Chương trình đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu dùng thuốc bình ổn của người dân, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn trong hoạt động điều trị bệnh.
Năm 2014, với 530 mặt hàng thuốc tham gia Chương trình (tăng gần gấp 1,35 lần so với năm 2013 là 392 mặt hàng), tổng doanh số bán ra ước đạt khoảng trên hơn 110 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Riêng đối với từng doanh nghiệp, doanh số bán các loại thuốc bình ổn tăng khoảng 30%, góp phần làm cho doanh số bán thuốc nội tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.
Tỷ lệ giá trị thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện thành phố tăng từ 20% lên 30%; các bệnh viện quận/huyện tăng từ 30% lên 40% đã góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến Thành phố đạt 45% và tuyến quận/huyện đạt 65% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Doanh số thuốc bình ổn bán ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc bình ổn của toàn Thành phố./.