TP Hồ Chí Minh nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã đánh giá và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong thời gian tới,
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung làm việc hội nghị. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Sau một ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã bế mạc vào chiều 30/3.

Hội nghị đã đánh giá và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

Tăng cường thu hút đầu tư vào sản xuất

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành, quận huyện, đơn vị đã tập trung thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội quý 1/2019 với những kết quả tích cực.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tăng trưởng kinh tế thành phố về tổng thể là tương đối ổn, nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực chưa thực hiện yên tâm. Ví dụ, riêng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong tổng vốn đầu tư nước ngoài thì đầu tư cho lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 53%, còn đầu tư cho sản xuất chế biến-chế tạo lại rất thấp - chỉ chiếm 8%.

Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải có giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất. “Cần xác định một số nhà đầu tư lớn để kêu gọi đầu tư vào thành phố, trong đó phải thay đổi cách tiếp cận, phải “chào hàng” chứ không chờ nhà đầu tư tự đến,” ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

[Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thêm nhân sự mới]

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần có quy hoạch hạ tầng cho dịch vụ, tái cơ cấu lại đất đai, vừa có chỗ cho người dân ở, vừa có đất dành làm dịch vụ.

Đề cập đến các nội dung thành phố tập trung trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh thành phố tiếp tục thực hiện đột phá trong công tác cải cách hành chính và triển khai quyết liệt Nghị quyết 54 của Quốc hội; tập trung phong trào sáng tạo, vận động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia; tiếp tục triển khai Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Riêng về triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2018 Thành phố triển khai quyết liệt 11 nội dung đã phê duyệt. Năm nay thành phố tập trung nghiên cứu xung quanh việc chuẩn bị tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố giai đoạn sau; nghiên cứu về khả năng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Cùng với đó, thành phố cũng nghiên cứu và thông qua chính sách đối với người dân Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao theo đúng luật pháp.

Dự báo hoàn thành 11/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại hội nghị đã phân tích cụ thể về dự báo khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Cụ thể, sẽ có 11/13 chỉ tiêu (17/21 chỉ tiêu thành phần) đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Một chỉ tiêu không hoàn thành là chỉ tiêu về GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD.

Nguyên nhân là do khi xây dựng chỉ tiêu này, thành phố tính theo chỉ tiêu cũ GDP, có tốc độ tăng cao hơn so với chỉ tiêu mới GRDP. Ngoài ra, còn do dự kiến dân số thành phố đến năm 2020 cao hơn so với số dự ước năm 2015. Cùng với đó, có một chỉ tiêu về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền (với ba chỉ tiêu thành phần là Chỉ số cải cách hành chính PAR index, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI) là chưa dự ước được, lý do là vì các chỉ số này do Trung ương và đơn vị độc lập đánh giá, công bố.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong quý 1/2019, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ năm trước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn đồng thời, các hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp duy trì hoạt động ổn định, chỉ số phát triển công nghiệp tăng cao hơn so với cùng cùng năm trước. Hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, du lịch tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả xuất khẩu cũng như mời gọi đầu tư nước ngoài vào thành phố…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nhận định, tình hình kinh tế-xã hội thành phố vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Mặc dù kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng nhưng khu vực dịch vụ và sáu trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ; công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công chậm.

Cùng với đó, tình hình trật tự xây dựng tại một số địa bàn diễn biến phức tạp, còn tình trạng buông lỏng quản lý; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ chưa được chú trọng; tình hình tội phạm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, nhất là tội phạm ma túy.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của việc tồn tại những hạn chế trên, hội nghị đã xác định một số nhóm giải pháp trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới: tiếp tục thực hiện đột phá thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đột phá trong công tác cải cách hành chính, phấn đấu tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 80% trở lên; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp đồng thời, thành phố sẽ cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR index, PCI, PAPI của thành phố; nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả bảy chương trình đột phá, hai chương trình trọng điểm; tập trung công tác quản lý nhà nước về đô thị…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục