TP Hồ Chí Minh: Nhiều ngành hàng tăng sức mua dịp nghỉ lễ 2/9

Kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay liền kề với dịp cuối tuần nên cũng góp phần đẩy sức mua tăng cao do người dân có nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho tuần làm việc, học tập mới.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều ngành hàng tăng sức mua dịp nghỉ lễ 2/9 ảnh 1Nhiều hệ thống siêu thị 'chạy đua' khuyến mãi nhân dịp lễ Quốc Khánh 2/9. (Ảnh: Như Quỳnh/Vietnam+)

Trong dịp 2/9 năm nay, có nhiều ngành hàng tăng sức mua tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết đơn vị sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, kỳ nghỉ Lễ 2/9 liền kề với dịp cuối tuần nên cũng góp phần đẩy sức mua tăng cao do người dân có nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho tuần làm việc, học tập mới.

Ghi nhận ý kiến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy các mặt được ưu tiên mua sắm trong kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay là lương thực, thực phẩm; bánh kẹo, nước giải khát; quần áo, giày dép; dụng cụ học tập... Cùng với đó, một số mặt hàng thức ăn nhanh, nấu chín sẵn... cũng đắt hàng ở cả kênh bán hàng trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Cụ thể, bà Thu Thảo, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ vào dịp Lễ 2/9 năm nay, một số người con làm việc ở các tỉnh, thành lân cận Thành phố Hồ Chí Minh đã về sum họp gia đình. Do đó, trong những ngày nghỉ Lễ 2/9, gia đình đã mua sắm, dự trữ lượng lương thực, thực phẩm gấp đôi ngày thường.

"Những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mà gia đình ưa chuộng như thịt bò, thịt gà, thủy-hải sản, rau củ, quả... Vì gia đình có một số trẻ em, nên cũng ưu tiên mua sắm, tiêu dùng các loại bánh kẹo, nước giải khát, trái cây...," bà Thu Thảo cho biết thêm.

[Hà Nội: Nhiều mặt hàng thực phẩm ‘hạ nhiệt’ tại các chợ và siêu thị]

Tương tự, gia đình chị Hải Hân, cư ngụ tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng ở lại thành phố trong dịp Lễ 2/9 năm nay, bởi không có điều kiện về quê ở miền Trung. Đồng thời, gia đình lựa chọn đến trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để vừa mua sắm, vừa ăn uống, vui chơi, giải trí...

Theo chị Hải Hân, ngày càng nhiều địa điểm mua sắm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có tích hợp khu ẩm thực, rạp chiếu phim, trò chơi dành cho trẻ em... rất thuận tiện cho đối tượng khách hàng là gia đình. Tại hầu hết những địa điểm này, đều có những thương hiệu ẩm thực chuyên kinh doanh trà sữa, cà phê, bánh ngọt... đảm bảo phù hợp với đa dạng đối tượng khách hàng.

Trong khi đó, hòa cùng không khí sôi động của "Tết độc lập" năm nay, kênh bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà hàng, khách sạn, chuỗi càphê... đã tung phong phú chương trình khuyến mãi, giảm giá cho người dân và du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh

Những đơn vị này không chỉ chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá luân phiên, mà còn áp dụng phong phú hình thức ưu đãi khác nhau cho người tiêu dùng gồm mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1; bán hàng theo combo, bán hàng giá đặc biệt theo giá trị hóa đơn...

Đại diện một thương hiệu bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay tuy sức mua không phải tăng ở tất cả ngành hàng, nhưng tăng ở một số ngành hàng cho thấy các đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân khá tốt. Với lợi thế có kinh nghiệm kích cầu tiêu dùng trong dịp Lễ/Tết, các đơn vị này cũng đã tập trung chuẩn bị và đẩy mạnh sức tiêu thụ những ngành hàng trọng tâm nhằm mang về doanh thu cao.

Báo cáo nhanh của các nhà bán lẻ cũng chỉ ra rằng sức mua tăng trong dịp Lễ 2/9 năm nay như tại đại siêu thị Emart, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đạt sức mua ước tăng khoảng 40% so với ngày thường, trong ngày đầu của kỳ nghỉ Lễ 2/9 và vượt 15% kế hoạch đề ra của thương hiệu bán lẻ này. Còn tại hệ thống MM Mega Market có sức mua tăng gấp đôi so với ngày bình thường và hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, trong ngày 1 và 2/9 năm nay.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều ngành hàng tăng sức mua dịp nghỉ lễ 2/9 ảnh 2Nhiều chương trình khuyến mại tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tuy nhiên, so với kênh bán lẻ hiện đại, thì mạng lưới chợ truyền thống có sức mua không tăng đáng kể so với những dịp cuối tuần bình thường. Sức mua tăng cao cũng chỉ tập trung vào mặt hàng tươi sống, chế biến sẵn, nấu chín như thủy hải sản; thịt gia súc, thịt gia cầm; thịt lợn quay, vịt quay, xúc xích, bún tươi, bánh hỏi...

Anh Hùng Thịnh, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hậu COVID-19, người dân có xu hướng mua sắm online, nên chỉ những đơn vị kinh doanh đa kênh như online lẫn offline mới có cơ hội tăng doanh thu. Mặt khác, việc đặt hàng đồ ăn, thứ uống nấu chín sẵn chưa bao giờ tiện lợi hơn hiện nay nên kênh này cũng chiếm một phân khúc khách hàng nhất định, nhất là giới trẻ hay gia đình quan ngại nấu nướng mà vẫn có nhu cầu ăn uống tại nhà.

Còn tiểu thương tại một số chợ truyền thống khác dự báo sức mua có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng cao hơn nữa, khi nhiều người dân kết thúc kỳ nghỉ Lễ 2/9 và trở lại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc, học tập. Trong đó, có thể kể đến những đối tượng người dân về quê, du lịch... sẽ có nhu cầu cao trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình...

Thống kê trong tháng 8/2022 vừa qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng và giảm 1,1% so với tháng trước đó. Đáng chú ý, doanh thu thương mại bị giảm 0,8%; dịch vụ lữ hành cũng giảm 13,5%; các dịch vụ khác cũng giảm 1,7%; chỉ có dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng nhẹ 0,2%.

Nếu tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 746.578 tỷ đồng và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ giảm 10,6%). Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại, nhiều sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh.

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 ở đa dạng nhóm ngành hàng. Song song đó, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng phối hợp liên ngành tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại nhiều địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục