TP Hồ Chí Minh: Lao động biến động nhiều nhất ở doanh nghiệp ngoài nhà nước

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động tập trung chủ yếu ở các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy...

Lắp ráp linh kiện điện tử. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lắp ráp linh kiện điện tử. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 3/7, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), trong 6 tháng đầu năm 2024, gần 1.300 doanh nghiệp cho biết có nhu cầu tuyển dụng thêm hơn 8.600 lao động; 914 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm hơn 6.100 lao động.

Biến động tăng/giảm lao động nhiều nhất thuộc các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với tỷ lệ tăng chiếm 93,58%, tỷ lệ giảm chiếm 89,86%.

Ít có biến động tăng/giảm lao động là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tăng chiếm 1,55%, tỷ lệ giảm chiếm 2,99%. Doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ lao động tăng chiếm 4,87%, tỷ lệ giảm chiếm 7,15%.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động tập trung chủ yếu ở các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

Doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lượng lớn lao động tập trung ở các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng…

"Phần lớn doanh nghiệp có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo nhưng cũng cần một lực lượng lao động đa dạng về trình độ để đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có trình độ sau đại học chiếm 1,56%, đại học 37,62%, cao đẳng 18,82%; trung cấp 13,58%; sơ cấp 8,94% và lao động phổ thông 19,48%," bà Hiếu chia sẻ.

ttxvn_lao dong tphcm.jpg
Công nhân làm giày da tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cũng theo bà Hiếu, kết quả khảo sát gần 9.000 doanh nghiệp với 237.200 lao động cho thấy tỷ lệ nữ chiếm hơn 37%, lao động địa phương khác đến thành phố chiếm 40,88%; lao động khuyết tật chiếm 0,11%. Điều này cho thấy sự tham gia đáng kể của phụ nữ trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động khuyết tật còn thấp nên cần tăng cường việc hòa nhập, tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật làm việc trong khu vực chính thức.

Độ tuổi lao động bình quân trong doanh nghiệp thuộc nhóm từ 25-34 tuổi chiếm 42,5% và nhóm tuổi từ 35-49 tuổi chiếm 30,17%, nhóm tuổi dưới 25 chiếm 20,33% và nhóm tuổi từ 50 trở lên chiếm 7%.

Cơ cấu trong doanh nghiệp tập trung là lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chiếm 73,07%; lao động gián tiếp chiếm 17,86% và lao động quản lý chiếm 9,07%.

Theo bà Hiếu, các doanh nghiệp thường tập trung cơ cấu lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh bởi họ là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, tiếp xúc với khách hàng và mang lại lợi nhuận chính cho doanh nghiệp. Tương tự, nhóm lao động từ 25-34 tuổi và từ 35-49 tuổi là những lao động có kinh nghiệm làm việc, mang lại sự ổn định, hiệu quả cho doanh nghiệp.

"Lao động trong độ tuổi này thường đang trong giai đoạn phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp," bà Hiếu khẳng định.

Kết quả khảo sát của Falmi cũng cho thấy sự phân bổ thu nhập hợp lý giữa các nhóm lao động; thu nhập cũng phản ánh mức độ đóng góp và trách nhiệm của từng nhóm lao động trong vận hành và phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động quản lý là 16,1 triệu đồng/người/tháng; lao động gián tiếp là 9,77 triệu đồng/người/tháng và lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là 10,05 triệu đồng/người/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục