TP Hồ Chí Minh làm rõ nhiều nội dung của dự án đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,3km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
(Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn)

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), đơn vị được ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ tổ chức lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vừa có thông tin làm rõ một số nội dung về phạm vi đầu tư; bố trí làn dừng xe khẩn cấp; sơ bộ tổng mức đầu tư; phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn; hình thức đầu tư của dự án Vành đai 3.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, với tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương tuyến đi qua; đồng thời, dự án còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua; nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường; giảm ách tắc giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

[Bảo đảm hiệu quả Dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô, vành đai 3 TP.HCM]

Về phạm vi đầu tư, theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô của đường Vành đai 3 gồm đường cao tốc vành đai mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/ giờ và đường song hành hai bên.

Theo Ban Giao thông, phần tuyến chính cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường song hành là cần thiết để tổ chức giao thông kết nối với khu đô thị, khu dân cư dọc 2 bên tuyến, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường, đảm bảo các mục tiêu đầu tư, đồng thời phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt.

Ban Giao thông cũng cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trình Quốc hội, đã bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (không liên tục) với khoảng cách 4-5 km/điểm, mỗi điểm dừng xe khẩn cấp được thiết kế với bề rộng 3m, chiều dài 270m theo quy định.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn; trong đó, đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá là 15 triệu đồng/m2, Ban Giao thông nêu rõ, Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2.

Đơn giá này, chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật-xã hội. Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá giá trị các khu đất này sẽ tăng lên.

Về giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022. Kinh phí này đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư…

Ông Lương Minh Phúc cho biết trong bước tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định; đảm bảo tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương, hội đồng nhân dân các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách; trong đó, có đường Vành đai 3.

Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án trong năm 2023-2024 chủ yếu tập trung đối với Thành phố Hồ Chí Minh (13.326 tỷ đồng) và Bình Dương (5.350 tỷ đồng). Hai địa phương này có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn, dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19; trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn cho dự án.

Đối với hình thức đầu tư của dự án Vành đai 3, Ban Giao thông cho biết, quá trình nghiên cứu dự án đã xem xét các phương thức đầu tư PPP (Hợp đồng BOT) với nhiều kịch bản khác nhau; trong đó, kịch bản khả thi nhất là đầu tư PPP phần đường cao tốc thì thời gian hoàn vốn là 29 năm. Theo kinh nghiệm của Bộ Giao thông Vận tải khi thực hiện các dự án theo phương thức PPP, với thời gian hoàn vốn kéo dài (29 năm) khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Ban Giao thông, việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay...) do đó, nhà đầu tư sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, sẽ tạo thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logictics...

Trước đó, ngày 26/5, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Kiểm toán Nhà nước thống nhất với nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án được nêu trong Tờ trình số 206/TTr-CP ngày 23/5 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án. Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương rà soát lại khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế; rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến nay, chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện; Chính phủ cần xem xét, xây dựng phương án thu phí cụ thể và có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo tính khả thi, thu hồi hoàn trả vốn đầu tư.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,3 km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Điểm đầu là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành tại Km38+500 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức-Long Thành tại Km0+000 (huyện Bến Lức, Long An).

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 41.589 tỷ đồng; chi phí xây lắp và thiết bị là 25.945 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục