TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương phòng, chống và kiểm soát khi bệnh sởi tăng mạnh

Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tiêm phòng thấp, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh quyết liệt triển khai phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh sởi như tiêm bù, bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ...

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Gần đây, dịch bệnh sởi ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam có xu hướng gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp khi đã ghi nhận một số ca biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế tại Thành phố là 597 ca; trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành phố khác).

Trong khi đó, từ năm 2021-2023, cả Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính với sởi.

Bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Phần lớn các ca bệnh sởi được ghi nhận là trẻ dưới 5 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi chiếm đến 66%; 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo thống kê của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến hết ngày 28/7 vừa qua, khu vực phía Nam có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo, trong đó có 481 ca có xét nghiệm dương tính (ca xác định).

Số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong đợt dịch bệnh sởi năm nay, các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi (gồm các bé 3 tuổi, 4 tháng tuổi và 7 tuổi). Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.

ttxvn_benh soi TPHCM1.jpg
Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng là do gián đoạn tiêm chủng trong và sau COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn Thành phố chỉ mới đạt 89,2%, chưa có quận huyện nào đạt trên 95% (tỷ lệ bao phủ vaccine sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát). Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.

Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỷ lệ tiêm phòng thấp, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt triển khai hai nhóm giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh sởi gồm tiêm bù, bổ sung vaccine sởi và bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ.

Theo đó, ngành Y tế Thành phố thực hiện tiêm bù mũi vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vaccine sởi; khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi…

Ngoài ra, ngành Y tế đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi. Các cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế…

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để các nhóm giải pháp trên có thể đạt được hiệu quả kiểm soát dịch sởi, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cùng các địa phương phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trong công tác truyền thông phòng bệnh sởi; Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện, xử lý việc "anti vaccine" và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục