Ngày 12/12, Chương trình Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024 đã khai mạc tại trục đường Lê Lợi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề và đặc sản vùng miền trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền" là sự kiện thường niên góp phần củng cố mối quan hệ liên kết vùng, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trên cả nước.
Đồng thời, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trong chuỗi liên kết thương mại, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đây cũng là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hệ thống phân phối lớn, hiện đại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
Chương trình "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" tập trung tôn vinh những giá trị đặc sắc, truyền thống, gìn giữ và phát huy giá trị các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP của các địa phương.
Năm nay, sự kiện thu hút sự tham gia hơn 30 tỉnh, thành phố, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu với hơn 500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu, đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền trên cả nước.
Tiêu biểu như ruốc cá rô đồng tỉnh Ninh Bình, bánh phồng tôm Nhà Cổ tỉnh Tiền Giang, bánh ít lá gai Bình Định.
Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề mây tre đan huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; làng nghề dệt chiếu Long Định, tỉnh Tiền Giang; làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc tỉnh Bến Tre; làng nghề dệt đũi Nam Cao tỉnh Thái Bình… cũng góp mặt tại sự kiện.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là một đô thị năng động, hiện đại nhưng cũng duy trì được rất nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); làng se nhang Lê Minh Xuân, làng trồng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Nhiều không gian văn hoá đặc sắc như biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, dệt thổ cẩm của đồng bào miền núi phía Bắc đều được tái hiện một cách sinh động.
Khách tham quan ngoài việc mua sắm còn có thêm trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng trên cả nước.
Ông Võ Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, sở Văn hoá Thể thao Du lịch Bến Tre, cho biết khi chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp, việc phát triển các làng nghề ở khu vực nông thôn là giải pháp giúp nâng cao thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề còn hạn chế về năng lực quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các chương trình kết hợp giao thương sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP ở địa phương có dân số, khách du lịch đông như Thành phố Hồ Chí Minh là cơ hội rất tốt để đơn vị sản xuất tiếp cận đa dạng khách hàng, nhà phân phối, từng bước thiết lập mạng lưới tiêu thụ rộng khắp.
Bà Phạm Thị Bình, Làng nghề lụa đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình, chia sẻ làng nghề lụa đũi Nam Cao đã tồn tại hàng trăm năm, là một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp, sản phẩm dệt may rất đa dạng nhưng các sản phẩm lụa, đũi thủ công vẫn được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích. Làng nghề tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại như "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền" không chỉ để kết nối khách hàng, đẩy mạnh thương mại sản phẩm mà còn là dịp giới thiệu những nét đặc sắc, tôn vinh giá trị của sản phẩm thủ công đến nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
"Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" sẽ diễn ra đến hết ngày 15/12.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng thực hiện nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối hiện đại, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ./.
Đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi bật của Việt Nam đang được giới thiệu tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA.