Ngày 29/6, Cushman & Wakefield - công ty dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, cho biết vừa công bố Bảng danh sách các thành phố hòa nhập dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội của Việt Nam là một trong những thành phố trong nhóm “Đô thị mới nổi” trong bảng xếp hạng.
Theo Cushman & Wakefield, Thành phố Hồ Chí Minh nổi bật với mật độ dân số đông đúc và trẻ tuổi, cư dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế, tài chính và cư trú.
Có thể thấy, thành phố đang dần bắt kịp các nước trong khu vực với những cải thiện về mặt xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Hà Nội với nhiều điểm sáng về mặt tỷ lệ giới tính cân bằng, chi phí thuê nhà và di chuyển phải chăng. Gần đây, Hà Nội còn đạt được thêm một số cải thiện về giáo dục, giảm khí thải và nắm bắt được nhiều cơ hội đầu tư vào các sáng kiến giúp tăng tính hòa nhập đô thị.
Tiến sĩ Dominic Brown, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Cushman & Wakefield cho biết Cushman & Wakefield đã phân tích gần 4.000 điểm dữ liệu bao gồm 110 biến số để tổng hợp bộ dữ liệu toàn diện nhất trong ngành về các thành phố hòa nhập. 35 thành phố có trong báo cáo này đang ở các giai đoạn khác nhau trong hành trình hướng tới môi trường đô thị toàn diện và sôi động hơn.
Theo Cushman & Wakefield, 35 thành phố ghi nhận trong báo cáo đã được lựa chọn vì các thành phố này đang sở hữu đến 80% nguồn cung văn phòng hạng A trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những thành phố này được phân loại thành bốn nhóm, gồm đô thị trưởng thành, đô thị tăng trưởng, đô thị đang lên và đô thị mới nổi.
Để tạo ra bảng danh sách phân loại này, Cushman & Wakefield đã thu thập dữ liệu từ các nguồn bên thứ ba hàng đầu trên toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc, đồng thời tận dụng những hiểu biết và phát hiện từ cả các nguồn khoa học được bình duyệt cũng như các chuyên gia nội bộ. Các thành phố được xem xét kỹ lưỡng ở bốn khía cạnh toàn diện gồm kinh tế, xã hội, không gian và môi trường.
Báo cáo này nhằm mục đích thúc đẩy cuộc đối thoại về ảnh hưởng của hoạt động bất động sản đối với sự hòa nhập của một đô thị và cơ cấu xã hội của các thành phố.
Chủ sở hữu bất động sản, nhà phát triển, nhà đầu tư, khách thuê, đơn vị tư vấn đóng vai trò quan trọng cùng Chính phủ trong việc định hình không gian đô thị và tạo tác động đến cuộc sống của cộng đồng và người dân. Bảng phân loại thành phố hòa nhập đóng vai trò là lời nhắc nhở ngành bất động sản thương mại phải thách thức hiện trạng xã hội, nâng cao giá trị xã hội ở mọi giai đoạn ra quyết định - từ tài sản cá nhân đến danh mục đầu tư trên toàn thành phố.
Ông Matthew Clifford, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững & ESG Cushman & Wakefield khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng nếu xem xét các trung tâm văn phòng quan trọng, các nhà phát triển có thể cố gắng đáp ứng các nhu cầu đa sắc thái và toàn diện hơn, không chỉ của người dùng không gian văn phòng mà còn của cộng đồng những người dân sống gần đó hoặc thường xuyên đi ngang qua tòa nhà hàng ngày. Từ góc độ đầu tư, việc phát triển song song các giá trị kinh tế và xã hội của tài sản cũng ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận.
Những doanh nghiệp đang thuê bất động sản cũng có thể đóng góp vào cơ cấu xã hội của các thành phố hòa nhập. Bằng cách hợp tác cùng các doanh nghiệp địa phương trong chuỗi cung ứng của họ hoặc tuyển dụng dân địa phương, các tập đoàn có thể thúc đẩy giá trị xã hội và tăng trưởng kinh tế trong cộng đồng.
“Các thành phố hòa nhập sẽ thu hút nhiều nhân tài hơn và thúc đẩy đổi mới, dẫn đến tăng trưởng đầu tư và kinh tế. Hơn nữa, những thành phố này có thể cung cấp các nền tảng kinh tế xã hội đa dạng cho người dân. Khả năng phục hồi và khả năng thích ứng cũng cho phép thành phố đáp ứng nhu cầu và mong đợi ngày càng tăng của người dân và các bên liên quan. Vì vậy, điều quan trọng là lĩnh vực bất động sản phải hết lòng đón nhận và tích hợp các giá trị toàn diện vào mọi hoạt động của mình, từ đó thúc đẩy hành trình tạo ra môi trường đô thị ưu tiên tính toàn diện,” ông Clifford chia sẻ./.
Bộ trưởng Xây dựng: Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển Đô thị Xanh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, với nguồn dư địa lớn để phát triển đô thị hiện có, thời gian tới, chính quyền các đô thị cần bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị.