Theo kết luận trong một nghiên cứu của Đại học công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), đăng tải trên tạp chí Nature Sustainability tuần trước, các thành phố ven biển khu vực Nam và Đông Nam Á đang lún nhanh hơn các nơi khác trên thế giới. Điều này sẽ khiến hàng chục triệu người dễ bị tổn thương hơn liên quan tình trạng mực nước biển dâng cao.
Nghiên cứu này chỉ ra, quá trình đô thị hóa nhanh khiến các thành phố ven biển ở khu vực Nam và Đông Nam Á sử dụng nhiều nước ngầm để phục vụ dân số tăng nhanh. Đây chính là nguyên nhân làm các thành phố đang bị lún nhanh ở ven biển đối mặt với nguy cơ lớn hơn những mối đe dọa vốn đã hiện diện liên quan mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu đưa ra số liệu vệ tinh khảo sát 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng đầu danh sách, với tốc độ lún trung bình 16,2 mm/năm. Cảng Chittagong miền Nam Bangladesh đứng thứ 2 cùng với thành phố Ahmedabad của Ấn Độ, thủ đô Jakarta của Indonesia và trung tâm thương mại Yangon của Myanmar đang lún với tốc độ hơn 20 mm trong những năm kỉ lục.
[Tốc độ tăng mực nước biển ở Anh nhanh hơn so với cách đây 1 thế kỷ]
Nghiên cứu nêu rõ trong số những thành phố ven biển đang lún nhanh này, nhiều thành phố là những siêu đô thị đang mở rộng nhanh chóng và có nhu cầu cao về khai thác nước ngầm đồng thời tải trọng từ các tòa nhà xây dựng dày đặc góp phần làm đất lún.
Các thành phố đang lún không phải là kết quả của biến đổi khí hậu, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ sẽ giúp hiểu biết hơn về cách thức hiện tượng này làm gia tăng hệ quả của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), đến năm 2050 sẽ có hơn 1 tỉ người sống ở các thành phố ven biển có nguy cơ nước biển dâng cao. IPCC cũng cho biết mực nước biển toàn cầu có thể dâng thêm tới 60 cm vào cuối thể kỷ 21 cho dù lượng khí thải nhà kính giảm mạnh./.