TP. Hồ Chí Minh: Độc đáo ẩm thực chay trong dịp Lễ Vu Lan 2017

Ngày 5/9 (tức 15 tháng Giêng), ghi nhận tại các địa điểm kinh doanh thực phẩm và ẩm thực chay trên địa bàn TP.HCM, cho thấy lượng khách đến để thưởng thức thực đơn chay tăng đột biến.
Khách đến thưởng thức các món ăn chay. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Ngày 5/9 (tức ngày 15 tháng Giêng Âm lịch), ghi nhận tại các địa điểm kinh doanh thực phẩm và ẩm thực chay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy lượng khách hàng đến để thưởng thức thực đơn chay cũng như thực phẩm chay tăng đột biến so với ngày thường.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức thực phẩm chay của người dân, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh không ngừng cải tiến sản phẩm, đầu tư và nâng cao tính sáng tạo, nghệ thuật tạo ra những hương vị mới lạ hấp dẫn.


Buffer chay được ưa chuộng

Những năm gần đây, trào lưu ăn chay và ưu tiên sử dụng những thực phẩm xanh không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà đã dần trở thành thói quen trong đời sống thường ngày của nhiều người dân.

Đặc biệt, theo phân tích của một số chuyên gia ẩm thực, ngày càng nhiều người dân chủ động sử dụng thực phẩm chay hay những món chay còn vì yêu cầu đảm bảo sức khỏe, muốn thanh lọc cơ thể trong cuộc sống hiện đại.

[Hàng vạn người dân Hà Nội ngồi kín đường dự lễ Vu lan chùa Phúc Khánh]

Mặt khác, con người dần tìm đến những thực phẩm chay giàu dinh dưỡng, một mặt để mang lại cho mình những giây phút bình yên, mặt khác ăn chay như là một phương pháp phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc dáng, kéo dài tuổi thọ.

Ngoài việc ăn chay để cân bằng dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ, ẩm thực chay trong mùa Vu Lan còn mang ý nghĩa lớn tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà và cha mẹ. Đây là dịp để cả gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cái có thể cùng nhau đến thưởng thức món ăn chay theo truyền thống gia đình quý báu của người Việt Nam.

Chị Trần Vũ Thiên Thanh, cư ngụ tại quận 4, cho biết, trong kỳ nghỉ Lễ Quốc Khách 2/9, gia đình đã tổ chức tiệc ẩm thực với nhiều món thủy hải sản, nên dịp Lễ Vu Lan năm nay quyết định tìm đến các món chay để thanh lọc cơ thể và cân bằng sức khỏe.

Gia đình chị có rất nhiều sự lựa chọn bởi các nhà hàng, khách sạn và địa điểm kinh doanh thực phẩm chay tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thực đơn món chay phong phú, dạng về hình thức, nguyên liệu.

Tương tự, một số người dân khác cho hay, họ có xu hướng chọn thưởng thức buffer chay vì có thể gặp gỡ và sum họp gia đình hoặc đi cùng bạn bè để vừa ăn uống, trò chuyện.

Bên cạnh đó, buffer chay tạo được sức hút riêng là do lợi thế về thực đơn đa dạng dao động từ vài chục đến hơn trăm món ăn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu ẩm thực của nhiều người dân.

Điển hình, buffet chay “Sài Gòn Những Món Chay,” tại Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, mang đến cho thực khách hơn 70 món chay được chế biến hấp dẫn, cầu kỳ hơn những mùa Vu Lan trước, do dựa vào 3 nguyên liệu chính đang được thị trường ưa chuộng: gạo lứt, đậu phụ và rau mầm.

Trong đó, có thể kể đến một số món chay nổi bật thu hút sự quan tâm của thực khách như xà lách đậu phụ măng tây xanh, đậu phụ chiên giòn rang muối bách thảo, mì quảng gạo lứt, cháo gạo lứt đậu đỏ khoai môn...

Đại diện Nhà hàng Riverside Palace, quận 4, cho hay: trong mùa Vu Lan năm nay, Riverside Palace giới thiệu buffer chay tối với chủ đề "Trầm" gồm 60 món chay chủ yếu mang hương vị ẩm thực truyền thống Việt Nam, đậm chất quê hương như gỏi cuốn hạt diêm mạch, cuốn diếp củ dền ngâm giấm táo; các món bánh dân dã như bánh xèo cuộn rau cải con, bánh đúc nước mắm chua ngọt, bánh bèo nhân đậu xanh, bánh khọt nhân hạt quinoa...

Riêng quầy tráng miệng rất đa dạng từ những loại chè nếp than khoai môn, chè thái, chè tàu hủ long nhãn, chè hạt sen táo đỏ... cho đến các loại bánh ngọt dân dã.

Ưu tiên sản phẩm chay ăn liền

Không chỉ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn... tập trung khai thác hương vị truyền thống, ẩm thực Việt để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, mà các sản phẩm chay công nghệ, thực phẩm chay ăn liền sản xuất trong nước cũng từng bước phủ sóng hàng hóa tại các kênh bán lẻ hiện đại cũng như truyền thống.

Chính vì vậy, người tiêu dùng không còn gặp khó khăn khi mua sắm và chọn lựa những sản phẩm thực phẩm chay đảm bảo chất lượng và tiện lợi.

Hiện bên cạnh các thương hiệu thực phẩm chay đã tạo được uy tín đối với người tiêu dùng như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan, Xuân Hồng, Song Hương… trên thị trường còn xuất hiện một số doanh nghiệp mới đang nỗ lực khẳng định thương hiệu là SG Food, Hoa Đăng, Am La...

Ngoài ra, để nâng năng lực cạnh tranh trong thị trường thương mại tự do và hàng nhập khẩu ngày càng thâm nhập thị trường nội địa nhiều hơn, các sản phẩm thực phẩm chay sản xuất trong nước đã từng bước đa dạng mẫu mã và phong phú về nguyên liệu chế biến.

Du khách thưởng thức các món ăn chay. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Cụ thể, trong mùa Lễ Vu Lan năm nay, người tiêu dùng có thể tìm mua và thưởng thức các sản phẩm thực phẩm chay giả mặn với hương vị đặc sắc không thua kém gì những chủng loại thực phẩm khác là sườn non, tôm chiên, bò lát, xúc xích, chả lụa, chà bông,... với giá dao động từ 90.000-150.000 đồng/kg, tùy loại.

Hay một số sản phẩm thực phẩm chay đóng hộp như bò lát, lợn lát, sườn non hầm đậu... có giá từ 14.000-34.000 đồng/sản phẩm.

Đánh giá về các sản phẩm thực phẩm chay đang được sản xuất kinh doanh trên thị trường, anh Nguyễn Văn Sơn, cư ngụ tại quận 2, cho rằng: ngành hàng sản xuất kinh doanh thực phẩm chay trong nước đã đáp ứng được nhu cầu cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người không có nhiều thời gian cho việc nấu nướng nhưng vẫn muốn ăn chay. Đơn cử, trên thị trường có những sản phẩm thực phẩm chay ăn liền hoặc đã sơ chế sẵn, chỉ cần nấu sôi hoặc cho vào lò vi sóng vài phút là có thể thưởng thức ngay được.

Cùng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, số lượng người tiêu dùng tại Việt Nam quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường tăng lên không ngừng qua mỗi năm.

Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm cũng nắm bắt xu hướng xanh hóa để xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm mới. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên và tìm được chỗ đứng trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối.

"Song song với việc cải tiến nguyên liệu sản xuất, mẫu mã hàng hóa, các doanh nghiệp Việt cũng chú trọng khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm, đây là nền tảng vững chắc góp phần thúc đẩy ngành thực phẩm chay trong nước phát triển tốt cũng như đánh bật những sản phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường," bà Lý Kim Chi, cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục