Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Đồng thời, giao Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 tự thu xếp toàn bộ kinh phí để nghiên cứu bổ sung quy hoạch, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Cầu thay phà Cát Lái được thiết kế với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km, là loại cầu dây văng có tĩnh không 55m, mặt cắt ngang đảm bảo tối thiểu 4 làn xe.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư) trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận, điểm đầu dự án xây cầu thay thế phà Cát Lái kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy, phường Cát Lái-Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2km, xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Hướng tuyến cầu chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Do tốc độ phát triển kinh tế nhanh của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu nên tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài, nhất là trong các ngày lễ, Tết tại khu vực phà Cát Lái thường xuyên xảy ra. Mặt khác, lưu thông giữa quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (và chiều ngược lại) hiện vẫn phụ thuộc vào phà Cát Lái.
Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái nhằm kết nối nội thành và khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh với khu vực phía Nam tỉnh Đồng Nai là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, do công trình cầu thay thế phà Cát Lái chưa có trong Quy hoạch được duyệt căn cứ quy định tại Điều 2 Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch có vị trí địa lý là tâm điểm tam giác Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu và được quy hoạch thành đô thị loại II. Việc xây cầu thay phà Cát Lái kết nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch là hết sức cần thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương cũng như tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 84/2013, hệ thống giao thông kết nối tại khu vực quận 2 và huyện Nhơn Trạch gồm có tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, liên kết trong khu vực còn có hệ thống cảng gồm khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, khu bến cảng thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang trên sông Soài Rạp, bến Phước An, Gò Dầu trên sông Thị Vải, khu bến Phú Hữu, Nhơn Trạch trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu./.