TP Hồ Chí Minh đảm bảo lương cho lao động bị ngừng việc do dịch

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu lao động, trong đó có hơn 280.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để đảm bảo quyền lợi cho công nhân người lao động và phối hợp cùng doanh nghiệp đảm bảo tiền lương trong thời gian người lao động ngừng việc do thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, ngày 16/6, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi đến các tổ chức Công đoàn trực thuộc và các đơn vị liên quan về việc thực hiện quy định tiền lương ngừng việc do dịch COVID-19.

Người lao động đang phải ngừng việc vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc bị cách ly tại khu nhà trọ, khu lưu trú, khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp... phải ngừng việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng tiền lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động 2019.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc.

Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Riêng trường hợp người lao động phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, Công đoàn cơ sở chủ động vận động, thương lượng doanh nghiệp hỗ trợ trả tiền lương ngừng việc cùng người lao động vượt qua khó khăn.

[Bắc Ninh: Lên phương án cho các nhà máy có F0 hoạt động trở lại]

Ông Phạm Chí Tâm cũng yêu cầu các cấp Công đoàn thành phố thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 theo nội dung Quyết định 2606/QĐ-TLĐ 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công văn 374/LĐLĐ-CSPL của Ban Chính sách pháp luật hoặc phương án số 3 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố về việc hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ khẩn cấp.

Tính đến ngày 16/6, các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo cho gần 2.000 đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, các khu lưu trú, khu nhà trọ bị cách ly; chi hỗ trợ hơn 600 trường hợp khó khăn theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ; tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho hơn 100 đơn vị là lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu lao động, trong đó có hơn 280.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Từ ngày 27/5 đến nay, Công đoàn các cấp đã ghi nhận 60 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 98 trường hợp F1, 303 trường hợp F2 và 569 trường hợp F3.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị này đang phối hợp cùng ngành chức năng địa phương tiến hành kiểm tra, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức tạm lưu trú tập trung cho công nhân tại khu công nghiệp.

Dự kiến, trong tháng 6 này, một số doanh nghiệp sẽ thực hiện việc lưu trú đối với công nhân.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và nguyên tắc về lưu trú mới được bố trí công nhân tạm lưu trú.

Đây là phương án tạm thời để phòng chống dịch và phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, có sự bàn bạc, thống nhất giữa lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động. Những lao động không thể ở lại tạm lưu trú thì doanh nghiệp cần bố trí việc làm phù hợp để những người này làm việc ở khu vực riêng, tránh tiếp xúc nhiều người.

Khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công nhân lưu trú như: nơi ở, ăn uống, sinh hoạt. Một số doanh nghiệp có điều kiện cơ sở vật chất tốt, sử dụng ít lao động muốn tổ chức lưu trú đối với toàn bộ công nhân.

Những doanh nghiệp có đông lao động trên dưới 30.000 công nhân muốn được tổ chức lưu trú với chuyên gia nước ngoài, lao động từ vùng dịch - ông Cường cho hay.

Mới đây, Đồng Nai ghi nhận 1 trường hợp công nhân sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mắc COVID-19.

Cùng đó, trong các khu công nghiệp xuất hiện nhiều ca F1, F2, nếu dịch lây lan rộng thì gây ra hệ lụy rất lớn về kinh tế, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, đề nghị ngành chức năng chấp thuận cho bố trí công nhân làm việc và ăn ở tại công ty. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch; khi có dịch tễ sẽ kịp thời khoanh vùng và tránh lây lan ra cộng đồng cũng như từ cộng đồng vào doanh nghiệp.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp với gần 1.900 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 600.000 lao động; trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng trên dưới 30.000 công nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục