Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), sau một thời gian gián đoạn, đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu-ho gà-uốn ván) từ Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Đồng thời, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã cấp phát vitamin A bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, sau nhiều lần kiến nghị, đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh 10.000 liều vaccine sởi và 5.140 liều vaccine DPT (bạch hầu-ho gà-uốn ván). Tuy nhiên, số lượng vaccine này chỉ đủ dùng trong tháng 12/2022 và ít hơn dự trù của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.
HCDC thông báo rộng rãi để phụ huynh trên toàn thành phố đưa con em mình đến các trạm y tế phường, xã và các cơ sở y tế có triển khai tiêm chủng để thực hiện tiêm phòng cho trẻ.
[TP.HCM: Công bố công khai việc phân bổ các loại vaccine]
Ngoài vaccine sởi và DPT, hiện thành phố vẫn cung ứng bình thường ba loại vaccine khác là viêm gan B, bại liệt dạng tiêm (IPV) và uốn ván (VAT). Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang tạm hết 5 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB), lao (BCG), sởi-rubella (MR), bại liệt dạng uống (bOPV) và vaccine 5 trong 1(SII).
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhận được vitamin A liều cao từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia sau hơn một tuần gián đoạn. Các địa phương sẽ nhận vitamin A vào ngày 14/12 để chuẩn bị triển khai chiến dịch. Chiến dịch cho trẻ uống sẽ diễn ra đồng loạt trên địa bàn Thành phố từ ngày 19/12 đến ngày 30/12.
Trước đó, HCDC thông báo tạm hoãn chiến dịch cho trẻ uống vitamin A liều cao vào ngày 1 và 2/12 do chưa nhận được vitamin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Hằng năm, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai đợt uống vitamin A vào đầu tháng 6 và đầu tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin này. Trẻ được uống vitamin A tại các trạm y tế phường, xã và một số trường học.
Theo các bác sỹ, trẻ thiếu vitamin A thường chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn. Vitamin A có nhiều trong sữa mẹ, thực phẩm như thịt, trứng, cá, các loại rau xanh, trái cây có màu vàng đậm, đỏ đậm và xanh đậm.
Trong một số trường hợp, nếu vitamin A được bổ sung bằng thực phẩm không đủ, cần phải bổ sung vitamin A liều cao bằng thuốc tùy vào mức độ thiếu hụt của mỗi người./.