TP Hồ Chí Minh chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước

So với năm 2008 với lượng mưa tương tự thì Thành phố có đến 126 tuyến đường ngập kéo dài với thời gian nước rút chậm hơn rất nhiều, khoảng từ 4-6 tiếng.
TP Hồ Chí Minh chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ảnh 1Ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập giúp giảm mạnh cả về số tuyến đường lẫn thời gian ngập, nhưng tình trạng xả rác và lấn chiếm kênh rạch gây tắc hệ thống thoát nước tại nhiều khu vực khiến bài toán ngập nước của thành phố vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh do đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/6.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết từ đầu mùa mưa năm 2020 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đón nhiều đợt mưa trên diện rộng có lượng nước trung bình trên 112mm với 22 tuyến đường xảy ra ngập, thời gian ngập khoảng từ 15-40 phút.

[TP.HCM lùi thời gian hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng]

Trong khi so với năm 2008 với lượng mưa tương tự thì Thành phố có đến 126 tuyến đường ngập kéo dài với thời gian nước rút chậm hơn rất nhiều, khoảng từ 4-6 tiếng. Điều này cho thấy những nỗ lực chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua đã mang lại những kết quả tích cực.

Đặc biệt, những “rốn ngập” tồn tại dai dẳng nhiều năm của Thành phố Hồ Chí Minh như khu vực Vòng xoay Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn và các tuyến đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long... thời gian qua đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giải quyết ngập ở 22/35 tuyến đường trục chính, đạt 69% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.

TP Hồ Chí Minh chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ảnh 2Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Hông Giang/TTXVN)

Đối với các tuyến hẻm và các tuyến quận, huyện đã hoàn thành 179/179 tuyến hẻm ngập, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều cường, dự kiến đến cuối năm 2020, thành phố sẽ xóa ngập ở 9/9 tuyến đường, đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.

Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã hoàn tất duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước; trong đó ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập...

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Điệp, bên cạnh những kết quả tích cực, vấn đề chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức do tốc độ bê tông hoá, đô thị hóa nhanh; mặt đất tiếp tục lún; biến đổi khí hậu và đặc biệt là tình trạng xả rác và lấn chiếm, “bức tử” kênh rạch nghiêm trọng khiến mục tiêu kiểm soát ngập 100% của thành phố là điều khó thực hiện được trong tương lai gần.

Theo ghi nhận của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, tình trạng san lấp kênh rạch để xây nhà trái phép diễn ra trong một thời gian dài và vẫn đang tái diễn ở hầu hết các tuyến kênh, ở khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. Nhiều hộ dân đóng cọc, đổ đất để cơi nới diện tích đất ven kênh làm nơi ở, kinh doanh, bất chấp nguy cơ sạt lở cao, làm thu hẹp dòng chảy.

Đơn cử như tại các khu vực kênh Xáng (quận 8), khu vực bán đảo Thanh Đa thuộc các phường 26, 27, 28 (quận Bình Thạnh)... có hàng trăm căn hộ được xây dựng bằng cách lấn chiếm sông dẫn đến ngập nước và sạt lở thường xuyên.

Tuyến kênh A41 dùng để thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất nay lại trở thành nguyên nhân chính khiến sân bay bị ngập do lấn chiếm trên diện rộng khiến lòng kênh tắc nghẽn...

Ngoài ra, nhiều tuyến kênh rạch thoát nước của thành phố còn phải hứng chịu hàng trăm nghìn tấn rác thải xuống mỗi ngày, trong khi khả năng vớt và nạo vét bùn của cơ quan chức năng rất thấp (bình quân mỗi năm chỉ nạo vét được khoảng 100.000m3).

Thực trạng trên đã khiến cho nhiều dòng kênh, miệng cống bị tê liệt; nước và rác tồn đọng lâu ngày theo các dòng kênh, con rạch xâm lấn mặt đường mỗi khi có triều cường cao, gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường và sức khoẻ người dân.

Ông Vũ Văn Điệp cho biết đã nhiều lần ý kiến với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện xử lý tình trạng lấn chiếm, khơi thông trả lại nguyên trạng cho hạ tầng thoát nước nhưng lại bị vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

Để tiếp tục hoàn thiện công tác chống ngập, ông Vũ Văn Điệp cho biết, thời gian tới, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ tổ chức lực lượng ứng trực thường xuyên tại các vị trí có khả năng ngập để vớt rác miệng thu nước; ghi nhận, thông tin kịp thời tình hình ngập mỗi khi có mưa và vận hành van ngăn triều, các trạm bơm cố định để thoát nước cũng như cảnh báo, hướng dẫn người dân tham gia giao thông qua nơi ngập; đồng thời, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tìm hướng xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh, rạch trên địa bàn.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 7 hồ điều tiết và thực hiện 67 dự án chống ngập, ngăn triều, cải tạo hệ thống thoát nước; trong đó, phải kể đến dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Trungnam Group làm chủ đầu tư) nhằm kiểm soát ngập do triều cho vùng diện tích 750 km2 thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn hiện đã hoàn tất gần 80% và dự kiến khánh thành vào tháng 10/2020 chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm trong giai đoạn 2020-2025 không để phát sinh điểm ngập mới. Song song đó, tập trung giải quyết ngập bền vững cho khu vực trung tâm thành phố rộng 106km2 và cơ bản giải quyết ngập cho các vùng còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục