TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược lâu dài ứng phó với dịch COVID-19

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho ý kiến về việc xây dựng kế hoạch, chiến lược lâu dài của các sở, ngành thành phố chuẩn bị cho việc nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện sống chung an toàn với dịch.
Quang cảnh buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho ý kiến về việc xây dựng kế hoạch, chiến lược lâu dài của các sở, ngành thành phố chuẩn bị cho việc nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện sống chung an toàn với dịch COVID-19.

Ngành y tế vẫn là chủ công

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Y tế có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay và cả trong thời gian tới; đặc biệt là trong việc giúp thành phố cùng với các sở, ngành xây dựng các chiến lược, chính sách lâu dài ứng phó với dịch COVID-19.

Ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế Thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành Y tế Thành phố cần nghiên cứu các số liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch; xác định tỷ lệ nhiễm có tác động xấu hay tốt thế nào đối với từng vùng và trong cộng đồng xã hội.

[TP Hồ Chí Minh: Số bệnh nhân nặng, cần thở máy ngày càng giảm]

Đây còn là cơ hội để ngành Y tế tích hợp dữ liệu trong những trường hợp người đã tiêm một mũi, hai mũi; người đã hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà, tại bệnh viện… để phục vụ khi Thành phố áp dụng "thẻ xanh" và phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị ngành Y tế Thành phố cần quan tâm hơn nữa, nhất là các chế độ, chính sách cho những trường hợp là y, bác sỹ mắc COVID-19 hay lực lượng tại các trạm y tế địa phương - nơi đầu tiên phát hiện và tiếp xúc với F0 để giúp họ sớm tái tạo sức lao động, trở lại phục vụ cộng đồng, chăm sóc bệnh nhân.

"Cần chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược về y tế, vì đây là chiến lược trụ cột nhất trong các chiến lược để Thành phố mở cửa, phục hồi kinh tế," bà Lệ nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế Thành phố, hiện số lượng ca bệnh nặng và tử vong đang giảm, nhưng số lượng người mắc COVID-19 vẫn chưa thay đổi nhiều.

Về chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly tập trung, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, đến nay Sở Y tế đã chi hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trọng tâm của ngành Y tế Thành phố trong thời gian tới là tăng cường xét nghiệm trên diện rộng; đẩy mạnh thu dung, điều trị, quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19; tiêm vaccine phòng COVID-19; đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực chống dịch và các biện pháp khác…

Cùng với các hoạt động tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, công tác an sinh xã hội, thực hiện các gói hỗ trợ được các đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm bởi gắn liền với đời sống của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Đánh giá cao việc thực hiện các gói hỗ trợ và nhất là gói hỗ trợ đợt 3 chuẩn bị triển khai, có độ phủ rộng và khá toàn diện, các đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các địa phương, cán bộ cơ sở làm đúng và có trách nhiệm khi triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, các đại biểu lưu ý với ngành cùng các cơ quan truyền thông cần thống nhất thông tin cuối cùng để tránh tình trạng văn bản chưa duyệt, chưa thông qua khiến người dân chờ đợi, địa phương mất thời gian nghiên cứu, giải thích tận tường cho người dân.

Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng cần nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin, tháo gỡ những trường hợp như hướng dẫn viên du lịch, hộ kinh doanh ngừng hoạt động… đang thật sự khó khăn nhưng chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các đợt hỗ trợ trước, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần rà soát từ khâu dự báo đến chi hỗ trợ, các biểu mẫu phải thống nhất, chặt chẽ… để chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, nhanh chóng, kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, hiện nay, việc triển khai các gói hỗ trợ còn có nơi thực hiện sót, chậm hỗ trợ đối với người dân. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố cần phối hợp với ngành Công an để đối sánh dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, để tránh sót lọt trong hỗ trợ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố, cho biết hiện nay do thực hiện giãn cách xã hội nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch nên việc lập danh sách người lao động còn chậm hoặc chưa được quan tâm.

Cần có kế hoạch chiến lược lâu dài

Chuẩn bị lộ trình cho việc thành phố nới lỏng giãn cách, sống an toàn chung với dịch COVID-19, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị các sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể, chiến lược lâu dài để từ ngày 1/10 có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thành phố cần có chính sách xây dựng nhà trọ, nơi ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; không thể thực hiện mãi phương án “3 tại chỗ,” doanh nghiệp không lấy nơi sản xuất, kinh doanh làm chỗ ở tạm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống tinh thần của công nhân.

Chuẩn bị cho việc chuyển sang trạng thái bình thường mới, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu, chuẩn bị chiến lược về an sinh xã hội; kế hoạch thu hút người lao động trở lại làm việc.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế-xã hội thành phố đến cuối năm nay và cả những năm tiếp theo để có kế hoạch, chiến lược phục hồi phù hợp.

"Sở cần rà soát, dự báo tình trạng phá sản của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng; đồng thời quan tâm đến thu hút đầu tư, kết nối cung-cầu khi thành phố trở lại bình thường mới," bà Lệ nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Trần Anh Tuấn, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã rất nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ," "một cung đường 2 địa điểm."

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đánh giá các phương án này không thể kéo dài bởi nảy sinh nhiều khó khăn bất lợi cho doanh nghiệp và cả người lao động.

Về gói hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tuấn cũng đề xuất cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm (doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp đang hoạt động) để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả.

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ, để được giải cứu đến cùng,” ông Tuấn nhìn nhận.

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong phòng, chống dịch

Cũng tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang nêu vấn đề mà cử tri, người dân và doanh nghiệp thành phố quan tâm hiện nay là sử dụng "Thẻ xanh COVID" nên gần đây có hiện tượng tranh thủ tiêm vaccine cho đủ 2 mũi.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc ngành Y tế cần nhanh chóng tích hợp dữ liệu về xét nghiệm, tiêm vaccine; dữ liệu F0 đã khỏi bệnh và cả F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh… để hướng tới sử dụng mã QR tích hợp phục vụ cho việc triển khai "Thẻ xanh COVID."

Về trang thiết bị y tế chống dịch, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Sở Y tế có báo cáo về việc các bệnh viện tại Thành phố thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị mới hay không? Vì trên thực tế, nhiều bệnh viện e ngại trong việc đấu thầu mua sắm, trong khi rất cần máy móc thiết bị y tế để hỗ trợ người bệnh.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề thiết bị y tế, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện Mặt trận Tổ quốc Thành phố cũng đang lúng túng trong việc tiếp nhận các viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài mà ngành Y tế, ngành Hải quan biết rất rõ nhưng không giúp được.

Đó là nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện vận động máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng nhưng còn rất tốt từ nước ngoài về hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch.

“Dù trước đó, Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho nhập thiết bị y tế qua sử dụng (do mặt hàng này trước đây cấm nhập) nhưng chờ mãi ngành Y tế không có trả lời nên dẫn đến kết quả đau lòng là hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại vì không ai hướng dẫn, không ai trả lời. Tương tự, một tổ chức Hàn Quốc hỗ trợ Thành phố 20 chiếc xe cứu thương được sản xuất từ năm 2015 nhưng theo quy định thì chỉ nhận được xe sản xuất từ năm 2019, trong khi trong nước vẫn đang thiếu,” bà Châu chia sẻ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ghi nhận sự nỗ lực của các ngành trong việc phòng, chống thời gian qua, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành tiếp thu các vấn đề mà đại biểu Quốc hội Thành phố nêu ra trong việc triển khai hỗ trợ và mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Đồng thời, bà Tuyết đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị nguồn kinh phí để sửa chữa các trường học từng được trưng dụng làm cơ sở y tế để cách ly, điều trị nhằm đảm bảo cơ sở vật chất và an toàn khi mở cửa trở lại, đón học sinh tới trường.

Về các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và phục hồi kinh tế, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có văn bản kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ; đồng thời có báo cáo riêng về việc triển khai các nghị quyết trong việc hỗ trợ người dân bị tác động của dịch COVID-19 đối với các cơ quan Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh để sớm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh," bà Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục