TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa đưa vào hoạt động đã quá tải

Trung bình mỗi bệnh nhân xạ trị phải chờ đợi từ 3-4 tuần, có khi lâu hơn, hiện vẫn còn khoảng 500-600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị. Số lượng bệnh nhân chờ được phẫu thuật cũng rất nhiều.
Khu vực bên ngoài sảnh chờ của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh luôn rất đông bệnh nhân ngồi chờ đợi. (Ảnh: TTXVN phát)

Dù mới đưa vào hoạt động hơn 1 năm với cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, trang thiết bị hiện đại nhưng Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 đã bắt đầu quá tải.

Mỗi lần đi khám bệnh, người dân phải chờ rất lâu mới đến lượt, trung bình mỗi bệnh nhân xạ trị phải đợi từ 3-4 tuần.

Sáng 18/5, chị Nguyễn Mai Hà Vy (bệnh nhân ung thư cổ tử cung, 45 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) có mặt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 để xạ trị.

Chị Vy điều trị ung thư cổ tử cung ở đây được hơn một năm. Có mặt tại bệnh viện vào lúc 8 giờ nhưng đến hơn 10 giờ chị vẫn chưa gặp được bác sỹ bởi có rất nhiều bệnh nhân đã xếp hàng từ trước.

“Bệnh nhân đông lắm, mỗi lần xạ trị tôi phải chờ mấy tiếng đồng hồ, có khi đến cuối buổi chiều,” chị Vy cho biết.

Xếp hàng chờ đợi lâu là tình trạng chung của người dân khi khám bệnh, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận trong sáng 18/5, tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện có rất đông bệnh nhân chờ đến lượt khám. Bên trong khu vực xạ trị, cảnh xếp hàng chờ đợi cũng diễn ra tương tự.

Năm ngoái, con trai bà Lê Thị Cẩm (67 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) được các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Mỗi lần tái khám, mẹ con bà Cẩm đều phải rời nhà từ chiều tối hôm trước để kịp giờ có mặt tại bệnh viện: “4 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở bệnh viện nhưng có khi phải chờ đến chiều tối mới xong vì quá đông bệnh nhân. Hôm nào xong sớm, chúng tôi đón xe về luôn, không kịp thì phải thuê nhà trọ ngủ qua đêm.”

Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 4.700-4.800 lượt khám, gần 1.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000-1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Con số này tăng hơn 10% so với năm 2023.

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị Phụ khoa cho biết, bệnh viện có 13 máy xạ trị, bao gồm các dòng máy từ đơn giản như xạ trị gia tốc 1 bước năng lượng tới những dòng máy cao cấp.

Các máy này hầu như hoạt động hết công suất, mỗi ngày chạy 3 ca kéo dài đến 21 giờ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Trung bình mỗi bệnh nhân xạ trị phải chờ đợi từ 3-4 tuần, có khi lâu hơn, hiện vẫn còn khoảng 500-600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị. Số lượng bệnh nhân chờ được phẫu thuật cũng rất nhiều.

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 được đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 2/2023 với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh.

Chia sẻ về nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải của bệnh viện, Tiến sỹ, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện cho biết, lượng bệnh nhân ung thư đến điều trị tại bệnh viện có sự gia tăng hằng năm, trong đó có khoảng 80% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, bệnh ung thư là bệnh mạn tính, thời gian điều trị kéo dài nên số lượng bệnh nhân tích lũy tăng theo thời gian.

Những năm gần đây, các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư được ứng dụng giúp nhiều người bệnh được cứu sống, thời gian sống lâu hơn.

Bên cạnh đó, đặc trưng của bệnh nhân ung thư tại Việt Nam là phát hiện bệnh muộn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng thêm tình trạng quá tải của bệnh viện.

Trước tình hình số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng công nghệ thông tin hẹn lịch mổ, lịch tái khám tránh để quá nhiều bệnh nhân cùng lên bệnh viện cùng lúc.

Bệnh viện cũng sắp xếp ưu tiên các trường hợp cần phải điều trị gấp, với những bệnh nhân lành tính, chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị sẽ phải chờ lâu hơn.

Tiến sỹ, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn cũng cho rằng, tâm lý chung của người bệnh là tập trung đến các cơ sở chuyên khoa tuyến cuối có uy tín lâu năm, bỏ qua các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến quận, huyện, do đó đang có tình trạng có nơi quá tải nhưng có nơi lại không có bệnh nhân.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cần có chiến lược đầu tư phát triển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận, huyện để “chia lửa,” giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa.

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia vào kế hoạch liên kết vùng do Sở Y tế khởi xướng.

Theo đó, các bệnh viện tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các tỉnh.

“Chỉ khi chúng ta nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới thì mới có thể giải được bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện điều trị, chăm sóc tốt hơn cho người bệnh,” Tiến sỹ, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn nhìn nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục