TP. Hồ Chí Minh báo động tái gia tăng trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ

Mục tiêu mà TP. Hồ Chí Minh đặt ra đến năm 2020 ngăn chặn thành công tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trở nên khó khăn do nhiều thai phụ không biết mình nhiễm HIV để can thiệp dự phòng.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù đã đạt được thành tựu nhất định trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tuy nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng trở lại số lượng trẻ lây nhiễm bằng con đường này.

Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020 thành phố ngăn chặn thành công tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trở nên khó khăn hơn.

Gia tăng trẻ nhiễm HIV từ mẹ

Chỉ trong tháng 9, Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 4 trẻ nhiễm HIV từ các bệnh viện chuyển đến.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa cho biết, những năm trước đây, mỗi năm đơn vị chỉ tiếp nhận thêm 1-2 trường hợp trẻ nhiễm mới, thậm chí có năm không tiếp nhận ca bệnh mới nào. Tuy nhiên, 9 tháng của năm nay, số trẻ nhiễm mới mà khoa tiếp nhận đã lên đến con số 14.

Chín tháng đầu năm, Bệnh viện nhân dân Gia Định có 6 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Con số này tại Bệnh viện Hùng Vương là 3 ca.

Báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, 8 tháng của năm 2016 có 22 trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tăng 4 ca so với năm 2015, trong đó 15 trường hợp đến từ các tỉnh khác, 7 trường hợp đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong năm 2016 số trẻ tử vong vì nhiễm HIV gia tăng đột biến, có đến 11 trẻ đã tử vong.

Theo bác sỹ Trần Thị Đoan Trang, cán bộ phụ trách Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương rà soát lại hệ thống dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nhằm hạn chế tình trạng gia tăng này.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố đã xét nghiệm cho 618.500 thai phụ, phát hiện 563 thai phụ nhiễm HIV, trong đó có 19% thai phụ không biết mình bị nhiễm.

“Không biết mình bị nhiễm HIV nên việc can thiệp dự phòng lây truyền cho con được thực hiện quá trễ. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng trẻ nhiễm HIV từ mẹ gia tăng trong thời gian qua,” bác sỹ Trang lý giải.

Lỗ hổng từ các phòng khám tư nhân

Chị Trương Ngọc Nhu, một nhân viên xã hội thuộc Mạng lưới tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Bệnh viện nhân dân Gia Định tiếp nhận một trường hợp thai phụ nhiễm HIV chuyển dạ nhưng không được dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.

Trước đó, thai phụ này khám thai định kỳ tại một phòng khám tư nhân ở huyện Hóc Môn. Trong suốt thai kỳ, các bác sỹ tại phòng khám này không tư vấn cho thai phụ thực hiện xét nghiệm HIV, vì thế bản thân thai phụ không biết mình bị nhiễm bệnh.

Do không được dự phòng từ trước, em bé khi được sinh ra đã bị lây truyền HIV từ mẹ. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp không thể can thiệp dự phòng bởi nguyên nhân không được tư vấn xét nghiệm HIV khi mới mang thai.

Theo Ban điều hành Mạng lưới tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế nhiều phòng khám tư nhân bỏ qua bước tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhất là những khu vực tập trung nhiều công nhân như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi.

Đa phần các nữ công nhân buổi sáng ở công ty, buổi tối về nhà, không có điều kiện đến các bệnh viện lớn khám thai, họ đành tìm đến các phòng khám sản tư nhân, nhỏ lẻ. Vì thế, số lượng thai phụ không được tư vấn, tầm soát, xét nghiệm HIV vẫn còn khá lớn.

Về vấn đề này, Bác sỹ Trần Thị Đoan Trang cho biết, sau 10 năm triển khai Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả đáng khích lệ khi kéo giảm được tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con xuống còn dưới 3%.

Hiện, hệ thống y tế công lập từ các bệnh viện tuyến thành phố đến các bệnh viện, trung tâm sức khỏe sinh sản của các quận, huyện đã thực hiện rất tốt việc tầm soát HIV cho thai phụ.

Tuy nhiên với các phòng khám sản tư nhân, chương trình vẫn chưa với tới được. “Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố đã mời các phòng khám tư nhân tập huấn tư vấn và thực hiện dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con nhưng nhiều phòng khám từ chối tham gia”, bác sỹ Trang chia sẻ.

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị với Sở Y tế Thành phố triển khai đồng bộ việc tư vấn, xét nghiệm HIV đối với các phòng khám sản tư nhân, tăng cường phối hợp đồng bộ hệ thống y tế công-tư nhằm tăng độ bao phủ của Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Nâng cao ý thức cho thai phụ

Bên cạnh những người không biết tình trạng nhiễm bệnh của mình vẫn có nhiều thai phụ nhiễm HIV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác điều trị dự phòng khi mang thai. Tình trạng bỏ trị giữa chừng, uống thuốc không đều đặn trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều.

Điều này khiến cho tỉ lệ kháng thuốc ARV ngày càng cao, việc điều trị dự phòng cho thai phụ cũng trở nên khó khăn hơn.

Bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông, Trưởng ban điều hành Mạng lưới tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ nhiễm HIV mang thai và sinh con, thậm chí có người sinh đến con thứ 4, thứ 5.

“Mặc dù chương trình dự phòng có thể hạn chế được sự lây truyền virus HIV nhưng chúng tôi không khuyến khích phụ nữ nhiễm HIV sinh thêm con bởi khi số lượng CD (tế bào miễn dịch) trong máu của phụ nữ nhiễm HIV càng thấp thì tỉ lệ lây nhiễm cho con lại càng cao,” bác sỹ Ánh Đông khuyến cáo.

Để hạn chế tình trạng gia tăng trẻ nhiễm HIV lây truyền từ mẹ, trong thời gian tới, ngoài việc vận động các phòng khám tư nhân tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, Ủy ban phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, băng rôn kêu gọi tất cả phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm HIV khi mang thai.

Mặt khác, hiện hệ thống bệnh viện, các trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng tuyến quận, huyện và tất cả trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện xét nghiệm HIV miễn phí cho tất cả mọi người dân khi có nhu cầu.

Ủy ban phòng chống HIV/AIDS thành phố sẽ phối hợp với hệ thống mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV mà cụ thể là các đồng đẳng viên tích cực vận động những người đang điều trị ARV thực hiện tránh thai an toàn, sinh đẻ có kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục