TP HCM: Tăng cường chính sách chăm lo nữ công nhân ngành may mặc

Khoảng 41% nữ công nhân cho rằng không đủ trang trải cho cuộc sống nếu thu nhập bình quân tháng khoảng 7 triệu đồng (trong điều kiện có tăng ca).
Bà Lê Uyên, đại diện Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 4/11, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên thẩm định báo cáo kết quả khảo sát đánh giá thực trạng việc làm, đời sống của nữ công nhân lao động ngành may mặc trên địa bàn.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức Công đoàn trao đổi, thảo luận, phân tích sâu các yếu tố ảnh hưởng tới lao động việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của nữ công nhân, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biên phức tạp khó lường.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng môi trường làm việc tốt cho công nhân nói chung và nữ công nhân trong các doanh nghiệp may nói riêng luôn được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện.

Tuy nhiên, đạt hiệu quả cao, điều kiện cần và đủ là các hoạt động phải được thực hiện phù hợp với các quy định, với tình hình thực tế, dung hòa được kỳ vọng, khả năng giữa các bên liên quan doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn.

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng kết quả khảo sát còn là cơ sở để tổ chức công đoàn, nữ công nhân lao động ngành may mặc đề xuất với các doanh nghiệp, chính quyền, các cơ quan liên quan, các đoàn thể có chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cùng với khả năng, năng lực tay nghề, chuyên môn cho nữ công nhân lao động ngành may mặc ngày càng tốt hơn.

Do đó, khảo sát cũng cần phân tích rõ, đề xuất sâu về các chính sách pháp luật, văn bản liên ngành, các hiệp hội; đề xuất các chính sách của thành phố quan tâm hơn nữa đến đời sống, việc làm, gắn với doanh nghiệp tuyên truyền, giáo giới tính, an toàn, hỗ trợ nữ công nhân lao động ngành may mặc, nhất là các trường hợp đơn thân, yếu thế...

Theo ông Lâm Đình Thoại, Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát đời sống vất chất tinh thần và môi trường làm việc của nữ công nhân ngành may mặc trên địa bàn thành phố cho thấy nhu cầu học tập nâng cao trình độ không nhiều, nhưng ngược lại họ luôn dành nhiều thời gian, tiền của, công sức cho gia đình của mình.

Về nhà ở, trên 57% nữ công nhân ngành may cho biết hiện họ đang thuê trọ, nhà lưu trú; có tiện ích khá tốt đáp ứng được nhu cầu của công nhân nữ.

Về thu nhập, nếu thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 7 triệu đồng (trong điều kiện có tăng ca) thì khoảng 41% nữ công nhân cho rằng không đủ trang trải cho cuộc sống.

[Đại sứ quán New Zealand hỗ trợ lao động nữ bị ảnh hưởng bởi COVID-19]

Các khoản chi cơ bản của nữ công nhân thường ở mức 70% so với thu nhập, trong đó, trên 60% chi cho giáo dục, chăm sóc con cái và sức khỏe.

Chủ yếu nữ công nhân dùng thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi hoặc chăm sóc gia đình. Nhiều người trong số đó cho biết, họ không có thời gian, tiền bạc để chơi các môn thể thao cho dù là các môn thể thao cộng đồng như: đi bộ, chạy bộ, đánh cầu…

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần đông nữ công nhân ngành may đều đề xuất tăng cường các chính sách chăm lo cho nữ công nhân như: tăng giờ nghỉ trong những ngày hành kinh; người mang thai từ tháng thứ 7 hoặc có con dưới 12 tháng tuổi.

Cải thiện điều kiện nghỉ ngơi giữa ca, buổi trưa tại doanh nghiệp; tăng cường chính sách phúc lợi xã hội bằng vật chất, lương, thưởng trong những dịp sinh nhật, lễ, Tết. Công nhân cũng có nhu cầu lớn về việc hỗ trợ chỗ ở, hỗ trợ vay vốn mua nhà ở xã hội...

Tham gia thẩm định báo cáo khảo sát, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao công tác tổ chức, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc làm, đời sống của nữ công nhân lao động ngành may mặc trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đề xuất nhóm khảo sát cần phân tích thêm về tuổi nghề và các tác động tâm lý, mối quan tâm của nữ công nhân đối với nghề. “Cần khái quát về sự phát triển, thay đổi phương thức sản xuất của ngành dệt may thành phố, nhất là trong giai đoạn mới ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin; các tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc làm, môi trường làm việc, công tác công đoàn…,” ông Trung chia sẻ.

Cùng quan điểm, bà Lê Uyên, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cũng đề nghị cần quan tâm những vấn đề từ phía sau, những vấn đề bên ngoài môi trường ngoài lao động như nhà lưu trú, bữa ăn giữa ca, các nhu cầu khác… của nữ công nhân ngành may để có cái nhìn tổng thể và đề xuất hiệu quả các nhu cầu cần thiết.

Ngoài ra, khảo sát cũng cần hệ thống hoá các nhóm công việc, nhóm việc nào liên quan đến đời sống, tâm lý, sức khoẻ, nhu cầu của những công nhân để từ đó các cấp công đoàn triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với các hoạt động của tổ chức công đoàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục