TP. HCM: Số ca mắc và tử vong do ung thư có chiều hướng gia tăng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể, số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã đến con số trên 11.000 người; trong đó nam giới là 5.014, nữ giới là 6.278.
Bác sỹ thăm khám cho một bệnh nhân điều trị ung thư. (Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Trước tình hình số ca mắc và tử vong do ung thư có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chiến lược phòng, chống ung thư trong giai đoạn mới; trong đó chú trọng triển khai rộng khắp các hoạt động tầm soát trong cộng đồng và huy động các nguồn lực xã hội phát triển, hoàn thiện mạng lưới điều trị ung thư từ tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Chiến lược phòng, chống ung thư trong những năm tới bao gồm các giải pháp cụ thể như chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vaccine… trong phòng ngừa ung thư; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng bao gồm cả chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của WHO tại tuyến y tế cơ sở và nghiên cứu triển khai trung tâm tầm soát và phát hiện sớm ung thư bằng công nghệ cao (mô hình Ningen dock của Nhật Bản).

Sở Y tế cũng không ngừng xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối; xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng.

Sở tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong công tác báo cáo, giám sát các trường hợp bệnh nhằm quản lý dữ liệu bệnh nhân ung thư, từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại thành phố; đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ung thư.

Để triển khai hiệu quả chiến lược đề ra, Sở Y tế kiến nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép chủ trương xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ung thư trong cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư.

Bên cạnh đó, địa phương có chính sách khuyến khích các bệnh viện đa khoa tư nhân phát triển chuyên khoa ung thư và huy động nguồn lực xã hội xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh bằng công nghệ cao, giúp phát hiện sớm bệnh và các bệnh nguy hiểm khác ngay từ khi chưa có triệu chứng.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm có tỷ lệ mắc ung thư cao (97,3-111,9/100.000 dân).

Năm 2020, tại Việt Nam ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư; trung bình cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

So với năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư mới tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối), số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã đến con số trên 11.000 người; trong đó nam giới là 5.014, nữ giới là 6.278.

Bên cạnh tình trạng quá tải người bệnh gia tăng tại các bệnh viện tuyến cuối, công tác phòng, chống ung thư trên địa bàn thành phố thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn nhiều khó khăn như: đa phần người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực đầu tư, chưa thực hiện rộng rãi trong cộng đồng; năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn.

[Chẩn đoán sớm và điều trị ung thư vú ở VN tiệm cận các nước phát triển]

Các chuyên gia của Bệnh viện K (Hà Nội) phân tích khác với các bệnh lý không lây nhiễm khác, ung thư đặc biệt nguy hiểm vì nguy cơ tử vong cao trong thời gian ngắn. Để tăng cơ hội sống và khả năng chữa trị, bệnh cần được phát hiện và chẩn đoán sớm, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, chi phí điều trị cũng đặt một gánh nặng tài chính đáng kể cho cả bệnh nhân lẫn gia đình.

Theo thống kê của Bệnh viện K, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51 triệu đồng (chiếm 29% chi phí điều trị). Điều đáng lo ngại là có tới 33,8% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể chi trả tiền thuốc do kinh phí điều trị quá nhiều.

Các bác sỹ thực hiện kỹ thuật sinh thiết tổn thương vú dưới hướng dẫn X-quang cho một bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Lê Văn Hợi - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện K), phân tích ung thư là bệnh là liệu trình kéo dài với chi phí không hề nhỏ, gây áp lực lớn cho cả bệnh nhân và gia đình của họ. Bởi vậy, việc bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí theo quy định hiện hành có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân ung thư nói riêng, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. Hiện có nhiều loại thuốc mới ra đời có hiệu quả cao đối với bệnh nhân ung thư, song chưa được phê duyệt kịp thời vào danh sách thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.

Vì vậy, việc giảm gánh nặng chữa trị ung thư cho bệnh nhân cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là những bệnh nhân phải được điều trị phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và thuốc toàn thân. Bài toán cần giải quyết sớm là làm sao để bệnh nhân ung thư tiếp cận được các thuốc mới giúp tăng cơ hội điều trị với mức chi phí hợp lý.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thái Hòa - Trưởng khoa Nội 2 (Bệnh viện K), cho biết tại bệnh viện K hiện nay mới chỉ có 5% bệnh nhân điều trị theo phương pháp hiện đại, đó là liệu pháp miễn dịch do giá thành còn cao, trong khi thu nhập của người dân chỉ ở mức trung bình. Để nhiều bệnh nhân ung thư tiếp cận được liệu pháp này, bảo hiểm y tế nên chi trả một phần ở những nhóm bệnh nhân mà điều trị miễn dịch đem lại nhiều lợi ích.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng những mô hình tài chính y tế tiên tiến nhằm giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, giúp quản lý quỹ bảo hiểm y tế một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Để tăng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân, các chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi mô hình tài chính y tế là cần thiết. Một số quốc gia như Trung Quốc đã phát triển mô hình bảo hiểm y tế bổ sung, với mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa bảo hiểm y tế cơ bản và bảo hiểm thương mại, giảm tỷ lệ tự chi trả của bệnh nhân, giúp cải thiện khả năng tiếp cận các loại thuốc và phương pháp điều trị tiên tiến với mức phí bảo hiểm hợp lý. Mô hình bảo hiểm y tế bổ sung này đã đạt được những thành công bước đầu.

Hiện nay, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo định hướng thể chế hóa Nghị quyết 20 của Đảng là đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế, tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại, do vậy bảo hiểm y tế bổ sung nên được tiếp tục nghiên cứu và xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Việc triển khai những mô hình tài chính tiên tiến phù hợp với thực tế tại Việt Nam sẽ giúp cho số đông người dân thông qua việc góp phần đảm bảo tính bền vững cho Quỹ bảo hiểm y tế và giúp người dân Việt Nam tiếp cận những phát minh y khoa nhanh với chi phí hợp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục