Nhiều chuyên gia kiến nghị đưa Dinh Thượng Thơ vào danh mục bảo tồn

TP. HCM: Kiến nghị cần đưa Dinh Thượng Thơ vào danh mục bảo tồn

Đa số các chuyên gia đều cho rằng Dinh Thượng Thơ có nhiều năm tuổi, mang nhiều giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và kinh tế nên cần phải được đưa vào danh mục bảo tồn.
TP. HCM: Kiến nghị cần đưa Dinh Thượng Thơ vào danh mục bảo tồn ảnh 1Dinh Thượng Thơ những năm đầu thế kỷ XX (Ảnh tư liệu)

Tham gia hội thảo đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc Dinh Thượng Thơ do Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/9, đa số các chuyên gia đều cho rằng Dinh Thượng Thơ có nhiều năm tuổi, mang nhiều giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và kinh tế nên cần phải được đưa vào danh mục bảo tồn.

Nhấn mạnh giá trị lịch sử, nhà sử học Trần Hữu Phúc Tiến cho biết nền đất Dinh Thượng Thơ là dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn.

Về kiến trúc, Dinh Thượng Thơ có hình chữ U, kiến trúc thân thiện, nhiều vòm cửa và cửa sổ lớn, đảm nhận chức năng của cơ quan hành chính. Vì cậy cần đưa Dinh Thượng Thơ vào danh sách xếp hạng di tích để bảo tồn, không phải để thương nhớ, hoài cổ mà góp phần phát triển kinh tế du lịch của thành phố đồng thời là công trình huy động hợp tác về mặt ngoại giao từ Pháp và EU.

[Thành phố Hồ Chí Minh bảo tồn công trình 150 tuổi Dinh Thượng Thơ]

Tương tự, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm việc phải làm ngay là đưa Dinh Thượng Thơ, nhà hát thành phố, trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Bảo tàng thành phố... vào danh sách di sản cần được bảo tồn. Đây là những di tích làm nên vùng lõi đô thị Sài Gòn, sẽ phát triển du lịch, văn hoá, lịch sử, mua sắm... đem lại giá trị kinh tế.

Dưới góc độ kiến trúc, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hiện nay phổ biến bốn cách ứng xử công trình di sản gồm bảo tồn di sản, phục hồi di sản, tái thiết di sản và cải tạo di sản. Dinh Thượng Thơ nên được xếp hạng di sản cần được bảo vệ, thuộc thể loại “cải tạo di sản.” Cùng với đó thành phố có thể lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển cho trục phố đi bộ lịch sử Đồng Khởi; trong đó bao gồm bảo tồn và cải tạo các công trình chưa được xếp hạng trên tuyến đường Đồng Khởi như trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố, Dinh Thượng Thơ, khách sạn Continental, khách sạn Grand, khách sạn Majestic, nhà hát thành phố...

Đồng quan điểm, theo tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Thượng Thơ là tòa nhà có giá trị kiến trúc thẩm mỹ, tồn tại lâu năm qua nhiều giai đoạn lịch sử, là chứng tích của quá trình lịch sử thành phố. Hơn nữa công trình thuộc sở hữu công, thuận tiện cho việc bảo tồn.

“Thành phố còn nhiều vị trí khác để mở rộng trụ sở như mặt bằng Sở Văn hóa Thể Thao, khu vực Thành uỷ ở quận 3... Tính toán quy hoạch chu đáo cả về nhân sự, mặt bằng, thành phố hoàn toàn có thể tránh được việc đập bỏ công trình văn hoá lịch sử,” tiến sỹ Võ Kim Cương nêu quan điểm.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, một công trình có giá trị mà phá đi là có lỗi với lịch sử. Một đô thị mà không còn sự hiện diện của các công trình kiến trúc đại diện cho các giai đoạn hình thành và phát triển của nó là đô thị vô hồn, kém văn hóa. Các di sản văn hóa của các thời đại trước để lại tạo nên động lực cho phát triển đô thị, sức sống, bản sắc và sự trường tồn của đô thị. Nhưng không phải công trình kiến trúc cũ nào cũng là di sản. Với Dinh Thượng Thơ, các nhà lịch sử, kiến trúc cần nghiên cứu mổ xẻ giá trị và chất lượng nghệ thuật của công trình.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cải tạo, xây dựng lại trụ sở Ủy ban Nhân dân tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 trong ô phố giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn-Pasteur-Lý Tự Trọng-Đồng Khởi, bao gồm Dinh Thượng Thơ tại địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng hiện đang được sử dụng làm trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông.

Dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng từ năm 1860, dưới thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, sau đó được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam Kỳ. Vai trò của Dinh Thượng Thơ được đánh giá là cơ quan hành chính điều hành trực tiếp Sài Gòn-Chợ Lớn. Tuy nhiên, hiện nay Dinh Thượng Thơ vẫn chưa được xếp hạng di sản để bảo tồn. Điều này cũng đồng nghĩa, Dinh Thượng Thơ sẽ có thể bị phá bỏ để làm trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục