Ngày 25/4, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp thông tin về tình hình thực hiện các công trình giao thông chào mừng 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như công tác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong các ngày nghỉ lễ.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ có tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2014, hiện đã cơ bản hoàn thành các hạng mục.
Dự án đang vận hành thử nghiệm hệ thống phun nước, trụ ngăn xe, chiếu sáng; đang hoàn thiện các công việc còn lại như lắp đặt vỉ gang gốc cây, đèn chiếu sáng cây xanh, hệ thống phun sương, vệ sinh công trường. Dự kiến ngày 28/4, các đơn vị liên quan sẽ vệ sinh xong toàn bộ công trường, thu hồi hàng rào để phục vụ người dân.
Liên quan đến dự án này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi là bốn tuyến đường được xác định quy hoạch đi bộ.
Hiện tại, Thành phố đã xây dựng quảng trường kết hợp với đi bộ ở đường Nguyễn Huệ, có thể chứa được từ 5.000-6.000 người. Người dân có thể thưởng thức hình ảnh nổi bật của Tượng đài Bác Hồ và Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố về ban đêm qua hệ thống chiếu sáng hiện đại, được thành phố Lyon (Pháp) lắp đặt. Thành phố sẽ mở cửa để người dân vào phố đi bộ Nguyễn Huệ trước ngày 30/4.
Bên cạnh dự án trên, dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè trên các tuyến đường khu vực cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất gồm đường Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn và Phan Thúc Duyện có tổng mức đầu tư gần 115 tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 27/4.
Trong khi đó, dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Thị Định (quận 2) tổng mức đầu tư 827 tỷ đồng; đang thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các gói thầu phần đường và nút giao, đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát; dự tính sẽ khởi công xây dựng cầu Ông Tranh vào ngày 27/4/2015, hoàn thành vào 30/4/2016.
Công trình giao thông trọng điểm khác là xây dựng cầu vượt bằng thép nút giao Ngã 6 Gò Vấp có tổng mức đầu tư 403 tỷ đồng, đã khởi công gói thầu mở rộng mặt đường phần nút giao và nhánh rẽ đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm. Theo kế hoạch, trong tháng 5/2015 sẽ khởi công gói thầu xây dựng nhánh Nguyễn Oanh-Nguyễn Kiệm.
Về vấn đề phân luồng giao thông phục vụ Lễ míttinh kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 26/4, Thành phố sẽ cấm triệt để các phương tiện ra vào khu vực diễn ra lễ kỷ niệm được gia hạn bởi vành đai các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám-Nguyễn Thị Minh Khai-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Hữu Cảnh-Hàm Nghi-Lê Lai-Phạm Hồng Thái-Cách Mạng Tháng Tám. Khu vực này cũng sẽ được cô lập tuyệt đối từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 30/4.
Liên quan đến vấn đề đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh lộ trình 27 tuyến xe buýt vào ngày 26 và 30/4. Các chuyến xe buýt bị điều chỉnh lộ trình sẽ được phép dừng trả đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ trên lộ trình tạm điều chỉnh mà tuyến đi qua.
Về vấn đề đi lại của người dân dịp lễ 30/4 và 1/5, dự báo lượng khách đi lại dịp lễ năm nay tại các bến xe trên địa bàn sẽ tăng không quá 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 50% so với ngày thường (ngày thường đạt 48.000 khách/ngày).
Hiện nay tại Thành phố, xe khách kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định có khoảng 2.060 xe với 68.500 chỗ, xe khách theo hợp đồng khoảng 12.307 xe với 291.279 chỗ. Trong khi đó, lượng xe khách kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc các địa phương khác đến Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.300 xe, phục vụ 73.500 chỗ. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thành phố sẽ tăng cường 95 xe buýt, trong đó tăng cường cho Bến xe miền Đông 35 xe, còn lại là Bến xe miền Tây. Các đơn vị kinh doanh vận tải được phụ thu 20-40% giá vé./.