Ngày 5/1, tại cuộc họp báo định kỳ do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết: Ngày 4/1, Sở nhận được thông báo giải trình tự gen của tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford).
Trong đó, OUCRU đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh có biến thể XBB trong tháng 12/2022. Theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Tương tự, hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn thành phố do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11. Tuy nhiên, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Cả hai hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của Thành phố đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.
Về biến thể XBB, theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, đây là biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện ở Singapore, Ấn Độ. Biến thể XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022.
[Ngày 5/1: Ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19, gấp gần 3 lần số khỏi bệnh]
Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, dựa theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy, biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên, sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron không ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ học.
Đại diện Sở Y tế nhận định, trong thời gian tới, việc đi lại, giao lưu của người dân trong dịp Tết gia tăng, việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, người dân Thành phố cần tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ cơ thể, tránh bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong do biến thể mới của Omicron.
Cùng với đó, ngành Y tế kêu gọi người dân cùng bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em từ 5 tuổi trở lên tiêm vaccine ngừa COVID-19 nếu chưa tiêm và tiêm bổ sung, nhắc lại vaccine theo quy định.
Trước tình hình diễn biến dịch còn diễn biến ở nhiều quốc gia, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Theo WHO, cả thế giới vẫn đang trong thời gian đại dịch COVID-19, tiếp tục ghi nhận thêm các biến thể mới. Vì vậy, trong tâm thế thích ứng an toàn linh hoạt, ngành Y tế Thành phố tiếp tục duy trì đầy đủ các biện pháp chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong các ngày Tết, ngành Y tế thành phố phân công trực 24/24 ở các cơ sở trong hệ thống phòng, chống dịch. Đồng thời, Thành phố tăng cường giám sát ở các cửa khẩu với các vùng quốc gia, lãnh thổ, tăng cường truyền thông ở các cửa khẩu để hành khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Hồng Nga, dù biến thể mới liên tục xuất hiện, nhưng hiệu quả của vaccine vẫn luôn có giá trị trong kiểm soát ca mắc và ca nặng, tử vong. Do đó, Thành phố vẫn duy trì hoạt động tiêm chủng xuyên Tết cho người dân. Những người thuộc nhóm nguy cơ, người cao tuổi hay đang có những bệnh lý, việc tiêm nhắc các mũi là cần thiết để củng cố hệ thống miễn dịch./.