Trong ngày 1/6, Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới gồm một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang; 250 ca ghi nhận trong nước, trong đó Bắc Giang vẫn ghi nhận số ca mắc cao nhất là 124, đều trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 70 ca liên quan đến ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng, Bắc Ninh 34 ca, Lạng Sơn 12 ca, Long An 3 ca, Hà Nội và Hà Nam đều có 2 ca, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Phúc đều ghị nhận 1 ca.
Như vậy, tính đến tối 1/6, Việt Nam có tổng cộng 6.065 ca ghi nhận trong nước và 1.507 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.495 ca.
Cả nước hiện có 14 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng
Thành phố Hồ Chí Minh cần chặn đứng chuỗi lây nhiễm của ổ dịch xuất phát từ điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng; đồng thời có phương án tầm soát diện rộng, phát hiện sớm các ca mắc mới trong cộng đồng, vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đây là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/6.
[Chiều 1/6: Ghi nhận 89 ca mắc trong nước, riêng Bắc Giang có 47 ca]
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến sáng 1/6, Thành phố Hồ Chí Minh có 538 trường hợp mắc bệnh. Chỉ riêng từ ngày 26/5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 211 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều liên quan đến ổ dịch xảy ra tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Theo ông Bỉnh, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có 40 thành viên mắc COVID-19 và đã lây lan thành hơn 200 ca bệnh. Như vậy, trung bình 1 người lây cho 5 người khác.
Dự báo con số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người bởi số lượng F1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm này hiện nay đang được cách ly tập trung là rất lớn.
Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 3.028 trường hợp F1, trong đó có 2.577 mẫu âm tính, 471 mẫu chờ kết quả. Số F2 được lấy mẫu là 15.200 người và xét nghiệm mở rộng cho 181.004 người, trong đó 67.619 mẫu đã âm tính,128.591 mẫu chờ kết quả. Đặc biệt, nhiều trường hợp F2 đã trở thành ca dương tính.
Hiện 20/22 quận, huyện trên địa bàn Thành phố có ca bệnh, ngoại trừ Quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh là: Gò Vấp (52 ca), Quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca)...
Các quận trên thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của Thành phố, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.
Nâng cao sức khỏe thể chất cho nhân viên y tế tại vùng dịch
Trước nhiều ý kiến cho rằng trong thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài tại tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh thành lân cận hiện nay, đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là các lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ ở ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ; đồng thời đặt câu hỏi liệu nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng y tế làm việc ở tại cộng đồng có nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ như vậy không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thời tiết rất khắc nghiệt ở tỉnh Bắc Giang những ngày qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các nhân viên y tế, các em học sinh, sinh viên đang làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Đây là điều mà Bộ phận thường trực rất lo lắng, làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các nhân viên y tế, các em học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống dịch tại đây.
"Chúng tôi cũng đã có một số các chỉ đạo yêu cầu tất cả các đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng tham gia chống dịch, được bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, sẵn sàng một số loại nước uống để các em có thể sử dụng, nâng cao sức khỏe," Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Thứ trưởng cho biết: "Bên cạnh đó, chúng tôi đã điều chỉnh thời gian lấy mẫu tại cộng đồng. Các đoàn bố trí thời gian lấy mẫu từ sáng sớm cho đến 9 giờ, buổi chiều từ 19 giờ đến 23 giờ. Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu phải được bố trí ở vùng có bóng mát, có thông khí, có quạt và buổi tối thì phải đầy đủ ánh sáng, tạo điều kiện cho đơn vị lấy mẫu do Bộ phận thường trực điều động một cách tốt nhất."
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định quan điểm của Bộ Y vẫn là tiêu chí an toàn cho người đi lấy mẫu được đặt lên hàng đầu. Từ trước đến nay, khi lấy mẫu, tất cả các nhân viên y tế tham gia lấy mẫu đều được trang phục bảo hộ đảm bảo an toàn. Trong tình hình hiện nay, nếu bỏ bộ trang phục đó ra thì sẽ mất đi vũ khí bảo vệ cho các nhân viên y tế tham gia lấy mẫu.
Thứ trưởng cho biết thêm: "Chúng tôi đã đề nghị Viện Vệ sinh lao động nghiên cứu bộ thổi khí từ bên ngoài vào trong bộ trang phục bảo hộ và sẽ làm giảm nhiệt, làm mát bên trong trang phục bảo hộ. Hôm nay (1/6), chúng tôi sẽ triển khai một số thử nghiệm, nếu đạt yêu cầu sẽ sản xuất hàng loạt để cung cấp rộng rãi cho nhân viên y tế, đặc biệt là các nhân viên y tế đang làm việc tại các khu thu dung điều trị cũng như các bộ phận hồi sức."
Xét nghiệm nhanh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến mua thuốc tại nhà thuốc
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, để chủ động kiểm soát và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường sàng lọc, rà soát, xét nghiệm nhanh ca bệnh COVID-19 nghi ngờ tại cơ sở y tế, phòng khám và nhà thuốc trên địa bàn.
Các đơn vị tăng cường chỉ đạo rà soát, sàng lọc kỹ tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm… đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, phòng khám và mua thuốc tại các nhà thuốc trên toàn quốc; yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ của người đến khám và người cần dùng thuốc; yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh (hoặc xét nghiệm RT-PCR nếu có khả năng) với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Đối với các phòng khám (công và tư), nhà thuốc cần thực hiện khai báo y tế đầy đủ và cung cấp thông tin ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời theo dõi các trường hợp nghi ngờ, khuyến khích chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh với các trường hợp này./.