TP. HCM còn 19 cơ quan báo chí sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 1

Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành, hiện 10/12 cơ quan báo chí đã được cấp phép hoạt động báo chí mới do thay đổi cơ quan chủ quản và mô hình hoạt động.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trong giai đoạn 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc sắp xếp 25 trong tổng số 27 cơ quan báo chí, còn 2 cơ quan đang tiếp tục thực hiện sắp xếp.

Các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đã nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, do Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức ngày 6/10.

Ngày 22/5/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, với mục tiêu sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, đồng thời sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí (không tính Báo Công an Thành phố do thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Công an) sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí.

Đến nay, cơ bản việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành, hiện 10/12 cơ quan báo chí đã được cấp phép hoạt động báo chí mới do thay đổi cơ quan chủ quản và mô hình hoạt động. Trong đó, 2 cơ quan báo chí thuộc Thành ủy Thành phố, 6 cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố, 1 cơ quan báo chí thuộc Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; 1 cơ quan báo chí thuộc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn 2 cơ quan báo chí còn lại đang tiếp tục thực hiện sắp xếp, gồm tạp chí Cựu chiến binh thành phố đang hoàn thiện nhân sự lãnh đạo theo quy định, chưa chuyển cơ quan chủ quản và mô hình hoạt động; báo Tuổi trẻ sáp nhập báo Khăn Quàng Đỏ thành ấn phẩm phụ của báo Tuổi Trẻ.

Riêng tạp chí Nghiên cứu phát triển đã tạm dừng hoạt động để cơ cấu lại bộ máy tổ chức (theo Đề án cơ quan này chưa phải sắp xếp). Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 1, hiện Thành phố Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí, trong đó có 8 báo in (2 báo tôn giáo), 9 tạp chí, 2 đài phát thanh truyền hình.

Trong giai đoạn tiếp theo thực hiện Đề án, các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động, đổi mới hình thức và nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin trong giai đoạn hiện nay.

Với báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm. Đối mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả.

[Bộ Thông tin và Truyền thông: Phối hợp triển khai quy hoạch báo chí]

Với phát thanh truyền hình, 2 Đài Truyền hình thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, đầu tư thiết bị chuyên ngành và hệ thống an ninh, an toàn trong phát sóng; sản xuất chương trình truyền hình theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, đón đầu những thay đổi về công nghệ truyền thông trên thế giới. Đồng thời, tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội…

Trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao những kết quả của Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong giai đoạn 1 thực hiện Đề án. Trong thời gian tới, thành phố cần đánh giá đúng “sức khỏe” của các cơ quan báo chí, tiềm năng phát triển của từng đơn vị và có kế hoạch thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, quản lý trong giai đoạn 2 của Đề án. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương, cơ quan báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí phát triển, nhất là trong thực hiện chuyển đổi số.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ việc quy hoạch, sắp xếp hướng tới mục tiêu giúp hệ thống báo chí cách mạng ngày một phát triển mạnh hơn nữa, đúng định hướng để tiếp tục vai trò dẫn dắt, cầu nối giữa hệ thống chính quyền với người dân, cũng như thể hiện hình ảnh của đất nước, thành phố tới bạn bè quốc tế. Vì thế, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy tính chủ động trong xu thế hiện nay, chủ động trước sự thay đổi thị hiếu, thói quen người đọc để có sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành hỗ trợ, lắng nghe để thực tốt hơn công tác quản lý, phát triển báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan của thành phố tiếp tục phát phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét tạo một cơ chế linh hoạt hơn, để các cơ quan phát huy tối đa năng lực của mình, như quy định về mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là tạp chí khoa học và tạp chí còn lại, hay yêu cầu về độ tuổi, các tiêu chí, tiêu chuẩn về mặt trình độ lãnh đạo... tránh quy định cứng nhắc, bởi mỗi cơ quan, loại hình báo chí có những đặc thù khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục