“TP. HCM có thể ảnh hưởng nặng khi Đồng Nai cho phép lấn sông”

Theo một số chuyên gia, dự án lấn sông Đồng Nai có thể ảnh hưởng tới dòng chảy và môi trường nước của nhiều tỉnh thành khác, trong đó có Thành phố Hồ Chí MInh.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra thực địa Dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" tại thành phố Biên Hòa. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Đó là khẳng định của các chuyên gia về môi trường xung quanh các ảnh hưởng của dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai của công ty Toàn Thịnh Phát đang triển khai tại tỉnh Đồng Nai. Hiện nay dự án này đã được của đầu tư tạm dừng để chờ ý kiến các bộ, ngành triển khai kiểm tra, đánh giá theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông đã đi khảo sát đoạn sông Đồng Nai chảy qua dự án lấp sông Đồng Nai (từ cầu Hóa An đến cầu Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và nhận thấy khu vực này có địa hình đáy sông rất phức tạp.

“Việc khảo sát cho thấy đáy sông khá gồ ghề phức tạp. Tôi thấy bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấy các số liệu từ năm 2009. Nhưng để căn cứ vào đó mà làm ngay thì không ổn mà cần có sự nghiên cứu sâu trong vài tháng, làm việc liên tục của nhiều đơn vị để tính lại về tác động thủy lực của dòng chảy và tác động lên bờ sông và Cù Lao Phố. Nên nhớ, đoạn sông nơi làm dự án đã tương đối ổn định nhiều năm nay là có lý do của nó, giờ thay đổi khi dự án đã đổ đất đá xuống thì dòng chảy có những tác động nhất định. Mà dòng chảy mùa khô và dòng chảy mùa mưa rất khác nhau,” ông Thuyên nói.

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy đoạn đáy sông nơi dự án đang triển khai hõm vào và rất gồ ghề chứ không bằng phẳng như khu vực cầu Hóa An. Có đoạn có độ gù như lưng cá sấu vì có đá, có đoạn sâu chỉ 3m nhưng có đoạn sâu đến 19m. Từ nơi dự án chiếu sang phía bờ đối diện thì có thể xác định có 2 dòng chảy ở đáy sông, vì có những khối đá lớn nằm chắn ở giữa, dưới đáy sông.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới phía Nam cho biết trước mắt, dự án này ảnh hưởng không chỉ ảnh hưởng bề mặt sông Đồng Nai mà còn ảnh hưởng cấu trúc đáy sông. 

Ông Long nói: “Lượng đất đá hàng nghìn tấn đổ xuống sông mà quan sát từ trên bờ thì nơi lấp sông xa nhất là 100m, nhưng phần đất đá dưới đáy lấn ra ngoài sẽ là 400 theo tỉ lệ 1/4. Như vậy, đáy sông sẽ bị lấp rất lớn so với bề mặt, dòng nước sẽ đâm thẳng vào Cù Lao Phố với những xoáy nổi, xoáy ngầm khoét vào cù lao và khi bị sụt thì sẽ bị sụt nhiều mét vì bị hổng chân. Cứ giả sử tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại của dự án này chống được lũ thì chính nó sẽ đẩy nước thẳng vào Cù Lao Phố, cầu Ghềnh và khu vực bờ đối diện. Khu vực nhà phố ở đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Hà Huy Giáp sẽ không chịu nổi.”

Ông Vũ Ngọc Long cho rằng dự án lấp lấn sông chưa lường các hậu quả về lũ lụt đột biến, ví dụ trận “lụt năm Thìn” (năm 1952) nhấn chìm phần lớn các ngôi nhà bên bờ sông Biên Hòa, Đồng Nai. Khu vực dự án cản trở thoát lũ thì thượng nguồn sẽ tăng thời gian tích nước, nghĩa là ít nhất mực nước cục bộ ở các xã ven sông Đồng Nai phía huyện Vĩnh Cửu, phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai và các xã ven sông thuộc huyện Tân Uyên của Bình Dương sẽ gây ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Tiến sĩ Vũ ngọc Long cho biết đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất mà chính là việc khu vực cuối nguồn sông Đồng Nai là Thành phố Hồ Chí Minh mới là nơi ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. “Nếu dự án này được triển khai, khả năng mùa khô từ tháng 1, 2, 3, một khi dòng chảy xuống hạ nguồn không đủ nước rửa mặn thì nước mặn xâm nhập bên trong. Hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ sẽ tăng độ mặn, loài ưa mặn sẽ lấn loài ưa lợ nên hệ sinh thái sẽ thay đổi.”

Ông Long cảnh báo thêm hệ sinh thái nước lợ ở Gành Rái- cửa ngõ ra biển của cả Miền Đồng Nam bộ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các loài sinh vật ở đây rất nhạy cảm nếu sự cân bằng giữa nước mặn xâm nhập và nước ngọt rửa mặn mất đi.

Cùng sự quan ngại về việc an toàn chất lượng nước, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết ông đã ngay lập tức gửi văn bản cảnh báo đến các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban bảo vệ sông Đồng Nai về việc tỉnh Đồng Nai đồng ý triển khai dự án lấp lấn sông.

Ông Giang nói: “Cần phải hết sức thận trọng để xem xét dự án này vì các nhà khoa học và các nhà quản lý đã lên tiếng cảnh báo. Tôi nghĩ cần có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc xem dự án có ảnh hưởng đến mức độ nào vì đối với chúng tôi, việc đảm bảo an toàn cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân là một nhiệm vụ quan trọng.”

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cũng cho rằng không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà cả khu vực Đông Nam Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tỉnh Đồng Nai cho phép tiến hành dự án.

“Sẽ là một tiền lệ nguy hiểm nếu tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án này. Hãy tưởng tượng trừ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương thì 8 tỉnh còn lại của lưu vực sông Đồng Nai (bao gồm cả tỉnh Đồng Nai) đều cho phép làm dự án lấn sông “noi gương” tỉnh Đồng Nai thì hậu quả về môi trường, dân sinh là không thể tưởng tượng nổi.”- ông Vũ Ngọc Long cảnh báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục