TP. HCM: Chăm sóc, điều trị bệnh lý tâm thần chưa đáp ứng nhu cầu

Năm 2022, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận từ 800-1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương gần 36% và 25%.
TP. HCM: Chăm sóc, điều trị bệnh lý tâm thần chưa đáp ứng nhu cầu ảnh 1Bệnh nhân mắc bệnh lý tâm thần xếp hàng lấy thuốc. (Ảnh minh họa. Minh Quyết/TTXVN)

“Số bác sỹ, giường bệnh điều trị các bệnh lý tâm thần của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,07/1.000 dân, thấp hơn so với trung bình chung của cả nước. Mặc dù số lượng người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, nhất là sau giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng công tác chăm sóc, điều trị chưa đáp ứng nhu cầu."

Thông tin được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề cập trong tờ trình đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt "Chiến lược y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo."

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có khoảng 15 triệu người bị mắc các rối loạn tâm thần, tương đương 14,9% dân số; trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,47%; trầm cảm, lo âu chiếm từ 5-6% dân số; còn lại là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy, chất gây nghiện khác.

Một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh, thành (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy tỷ lệ vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022, Bệnh viện Tâm thần thành phố tiếp nhận từ 800-1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương gần 36% và 25%.

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần từ cộng đồng đến cơ sở chuyên khoa gồm: 310 trạm y tế xã, phường, các phòng khám ngoại trú, các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị người lớn và trẻ nhỏ có vấn đề về sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa) nhưng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhân lực ngành tâm thần chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, đội ngũ bác sỹ tâm thần, chuyên viên trị liệu tâm lý (học đường, lâm sàng, nghề nghiệp) còn ở mức thấp cả về số lượng và chất lượng. Số bác sỹ tâm thần, giường bệnh tâm thần của Thành phố Hồ Chí Minh cũng thấp so với cả nước, chỉ đạt 0,07/1.000 dân. Nhiều năm qua, các cơ sở y tế có khám chữa bệnh tâm thần xuống cấp, không thể đáp ứng được số lượng bệnh ngày càng cao. Các bệnh viện đa khoa và trường học chưa có phòng khám tâm thần, tham vấn tâm lý để sàng lọc sớm, điều trị kịp thời các vấn đề tâm thần.

Bên cạnh đó, do số lượng người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày một tăng khiến các cơ sở ngày càng quá tải. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hàng triệu người. Nhiều người bị rối loạn tâm thần chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống trị liệu. Vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với các rối loạn tâm thần, dẫn đến tâm lý e ngại để đi khám và điều trị kịp thời.

Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt "Chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo." Trong đó, có chiến lược dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cho các đối tượng học sinh, bà mẹ giai đoạn mang thai và hậu sản, nhân viên y tế, người lao động, những người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ, người cao tuổi…).

Cùng với đó là nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế bằng cách cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, bổ sung, tập huấn nhân sự; thành lập các đơn vị phục hồi chức năng tâm thần tại các trung tâm y tế quận, huyện.

[Hà Nội: Giảm tỷ lệ uống rượu bia để phòng rối loạn sức khỏe tâm thần]

Rối loạn tâm thần là vấn đề rất phổ biến trong các bệnh không lây nhiễm. Bệnh lý này có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.

"Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị," Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.

Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu cách đây vài năm cho thấy gần 15% người dân mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp.

Điều đáng nói, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt. Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm gần 0,5% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao (tới 5,4% dân số), còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu (5,3%), ma túy (0,3%)...

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Với người mắc rối loạn tâm thần, trách nhiệm chủ yếu của ngành y tế và xã hội. Nếu bệnh ở thể nhẹ, việc điều trị được thực hiện bằng các giải pháp không dùng thuốc như giáo dục, tư vấn tâm lý. Khi bệnh nặng hơn, phải kết hợp dùng thuốc và các giải pháp khác như phục hồi chức năng, hoạt động trị liệu, nghề trị liệu, hỗ trợ xã hội.

TP. HCM: Chăm sóc, điều trị bệnh lý tâm thần chưa đáp ứng nhu cầu ảnh 2Ảnh minh họa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ở Việt Nam hiện nay chủ yếu chuyên khoa tâm thần (ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh) cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Cả nước hiện có 43 bệnh viện tâm thần hoặc có chuyên khoa Tâm thần.

Các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh, nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các cơ sở đa khoa, chuyên khoa khác, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe ban đầu rất lớn. Ngành y tế đang tập trung phát triển tâm lý trị liệu và các giải pháp không dùng thuốc khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục