TP. HCM cấp bách tìm các giải pháp chống ngập úng sau mưa

Từ nay tới tháng 9, lãnh đạo TP. HCM sẽ tiến hành khảo sát các điểm ngập, điểm lấn chiếm kênh rạch, làm việc với quận, huyện để nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể chống ngập lụt.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu trong nước sau trận mưa lớn. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Câu chuyện nước ngập lênh láng tại nhiều điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau cơn mưa vào chiều 26/8 vừa qua đã trở thành vấn đề "nóng" tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2016 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 29/8.

Tập trung chống ngập nước

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, trận mưa ngày 26/8 ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị bít lại bởi rác, kênh rạch bị lấn chiếm.

Riêng vấn đề ngập gây ảnh hưởng đến sân bay Tân Sơn Nhất, có ba nguyên nhân chính là mương A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản không thoát nước kịp.

Cụ thể, đối với dự án cải tạo mương A41, quận Tân Bình làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2019 mới hoàn thành; mương Nhật Bản do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư đã hoàn thành 85%; kênh Hy Vọng, thuộc dự án của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Chống ngập cũng nạo vét thường xuyên nhưng phải mở rộng thêm.

Liên quan đến vấn đề ngập nước trên địa bàn thành phố, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trận mưa lớn ngày 26/8 có lưu lượng vượt quá quy hoạch thoát nước một số điểm của thành phố.

Khu vực thoát nước mưa theo quy hoạch phải đầu tư 6.000km cống thoát nước. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 43%.

Về vấn đề ngập nước tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, ông Bùi Xuân Cường cho rằng đây là cấp bách và đề nghị giải quyết ngay.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải làm rõ nguyên nhân gây ngập từ đâu và từ đó có giải pháp khắc phục.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngập nước đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân thành phố nên từ nay đến tháng Chín, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố phải xếp lịch cho thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố xuống khảo sát các điểm ngập, điểm lấn chiếm kênh rạch, làm việc với quận, huyện để nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể.

“Bản thân tôi và các Phó Chủ tịch đều phải đi cơ sở, làm việc với các quận huyện còn có tình trạng lấn chiếm công trình chống ngập dẫn tới ngập nghiêm trọng để trực tiếp chỉ đạo tìm hướng tháo gỡ giải quyết. Phải tạo ra sự chuyển biến thật sự sau chỉ đạo này. Từ trước đến nay, chúng ra đã cố gắng nhiều nhưng chưa tạo được sự chuyển biến trong vấn đề này. Không thể tiếp diễn tình trạng như thời gian qua,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trước đó, vào tối 26/8, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, làm ngập nhiều khu vực; trong đó, đáng chú ý là các tuyến đường xung quanh và cả ở trong Sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập sâu trong nước. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của nhiều người dân.

Kinh tế phát triển khả quan

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong tháng Tám và 8 tháng qua, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, 8 tháng qua, các yếu tố nguồn lực đầu vào được phát huy tốt đã góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố.

Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tiếp tục được đầu tư mở rộng, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với cùng kỳ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được tập trung triển khai thực hiện.

Một số chỉ tiêu quan trọng đạt kết quả cao trong thời gian qua như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 8 tháng 2016 ước đạt hơn 462.500 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4%.

Kim ngạch xuất khẩu tính chung 8 tháng ước đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 0,8% so cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 6,4%.

Du lịch thành phố cũng đạt kết quả khá khi tổng lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 3,12 triệu lượt khách, tăng 26,6% so cùng kỳ. Doanh thu ngành du lịch trong 8 tháng ước đạt 65.054 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực công nghiệp cũng đạt kết quả khá cao khi tính chung 8 tháng năm 2016, ước tăng 7,19% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 14,4%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 22,5%, máy móc thiết bị tăng 31,2%,...

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 7,1% so cùng kỳ.

Về đầu tư nước ngoài, ông Sử Ngọc Anh cho biết, trong 8 tháng có 525 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 715,5 triệu USD; trong đó có 102 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 347,4 triệu USD.

Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.121 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,15 tỷ USD.

Để hoàn thành các mục tiêu của năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Mặt khác, thúc đẩy ngay các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư nhằm thu hút đầu; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp góp ý nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục