Bệnh viện Dã chiến số 13 với công suất tối đa 1.800 giường bệnh sẵn sàng kích hoạt khi có yêu cầu, các bệnh viện khôi phục trở lại Khoa/Đơn vị điều trị COVID-19, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.
Thông tin trên là chỉ đạo mới nhất của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, sáng 25/4.
Tại Hội nghị, bác sỹ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế thành phố), cho biết số ca mắc COVID-19 trên địa bàn nhập viện có dấu hiệu tăng cao từ ngày 12/4 đến nay.
Tính đến ngày 23/4, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.288 ca cách ly tại nhà, tăng 1.136 ca so với tuần trước đó.
Thành phố cũng có hơn 200 ca đang điều trị tại các bệnh viện. Trong số đó, 57 ca cần hỗ trợ hô hấp, 5 ca đang thở máy xâm lấn, 8 ca là trẻ em và 5 phụ nữ mang thai. Về độ tuổi, có 121 bệnh nhân trên 50 tuổi (67,2%), 25 trường hợp trên 80 tuổi.
Về năng lực thu dung điều trị, hiện trên toàn địa bàn có 46 cơ sở y tế có Khoa/Đơn vị điều trị COVID-19 với tổng số 2.255 giường bệnh. Trong đó, 970 giường có thở ôxy và 338 giường hồi sức tích cực.
Cùng với đó, Bệnh viện Dã chiến số 13 sẵn sàng được kích hoạt với công suất tối đa 1.800 giường bệnh, gồm 100 giường hồi sức, 1.700 giường bệnh nặng cấp cứu. Bệnh viện này sẽ được kích hoạt khi số ca COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tăng trên 50 ca.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đến thời điểm này, công tác ứng phó với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã sẵn sàng. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chủ động rà soát nguồn lực khôi phục hoạt động của Khoa/Đơn vị COVID-19 trên nguyên tắc 4 tại chỗ; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế đề phòng trường hợp dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.
[Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu sẵn sàng công tác phòng, chống COVID-19]
Sở Y tế cung cấp danh sách 10 chuyên gia COVID-19 để các bệnh viện liên hệ trong tình huống cần hỗ trợ chuyên môn. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng hơn 2.000 liều thuốc kháng virus Remdesivir truyền tĩnh mạch điều trị COVID-19, sẵn sàng cung cấp cho các bệnh viện có nhu cầu sử dụng.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ bệnh. Bên cạnh đó, tất cả ca mắc cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19.
Song song đó, Sở triển khai 59 điểm tiêm vaccine xuyên suốt trong những ngày nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.
Phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của Omicron
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/4, từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thu thập, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm các biến thể phụ mới của Omicron trên địa bàn, bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Cụ thể, từ ngày 8-14/4, 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới.
Ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây là XBB.1.5, còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1.
Những biến thể phụ mới phát hiện tại Thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, điều đáng lo ngại là ngoài 1 biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.
Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Dẫn chứng cho thấy, chỉ trong 24 giờ từ 16 giờ ngày 20/4 đến 16 giờ ngày 21/4, trên địa bàn Thành phố Hồ Chi Minh ghi nhận 185 ca mắc COVID-19, trong đó có 50 ca phải nhập viện.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá dù chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc COVID-19 nặng hơn trên toàn cầu; tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng nên sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh khỏi.
Mặt khác, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi, mọi người dân cần tích cực đồng hành cùng chính quyền các cấp tham gia Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ vừa được Thành phố phát động./.