Tour Tết 2023: Thị trường ảm đạm do các tác động kinh tế tiêu cực

Nhu cầu sẽ giảm nhiều ở giới trung lưu do ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát, thị trường chứng khoán, bất động sản thua lỗ, thậm chí nhiều người quyết định không đi du lịch.
Du khách dạo chơi ngày Xuân. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Từ đầu tháng 11 tới nay, các công ty lữ hành đã tung ra nhiều lựa chọn, bảng giá tour du lịch Tết Nguyên Đán 2023 cùng một số ưu đãi nhằm kích thích khách hàng đặt chỗ, “chốt” lịch sớm. Tuy nhiên hiện nay, tình hình đặt tour Tết Âm lịch chưa sôi động như kỳ vọng.

Chi phí tăng, nhu cầu giảm

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp lữ hành đều cho biết chưa có nhiều khách đặt tour Tết. Phía doanh nghiệp và hiệp hội đưa ra nhiều nhận định khác nhau, từ việc nhu cầu giảm do trước đó đã đi du lịch rồi cho đến chi phí dịch vụ tăng cao hơn bình thường.

Trước hết là thói quen tiêu dùng của khách hàng đã có ít nhiều thay đổi so với trước đại dịch COVID-19. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice nhận xét vào thời điểm tháng 11/2019, số lượng khách đặt tour đã khá đáng kể.

Nhưng với năm nay, ông Tú dự báo phải gần tới Tết thì số lượng khách hỏi và đặt tour mới thực sự tăng.

“Sau các dịp Tết Nguyên Đán 2022, nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hay 2/ 9 vừa qua, du khách có xu hướng đặt tour sát thời điểm khởi hành hơn. Đây là một tâm lý hậu dịch bệnh, khách chờ khoảng trước 2 tuần mới đặt tour để đảm bảo không có việc hay bị ốm bệnh phát sinh, phải bỏ chuyến và mất tiền," ông Tú nhận định.

Nhiều yếu tố khách quan đã và đang gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi du lịch Tết của người Việt. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Đại diện Công ty du lịch Lữ hành Việt - bà Trần Bích cũng xác nhận phải chờ thêm thời gian để đánh giá thị trường: “Theo tôi phải chờ đến khoảng một tháng cho tới nửa tháng trước Tết, khi đó khách mới hỏi nhiều và bắt đầu tính đến chuyện đặt chỗ cho tour đi chơi.”

Nhận định về xu hướng này, ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel lại cho rằng nhu cầu du lịch ở mức phổ thông phần lớn đã được đáp ứng từ dịp tháng Ba và mùa Hè 2022 - thời điểm du lịch Việt đã “mở bung.” Song song với đó, tình trạng hiện nay còn chịu ảnh hưởng lớn hơn đến từ tình hình bất ổn chung của kinh tế.

[[Infographics] 10 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 18,8 lần]

"Năm nay, tôi dự đoán nhu cầu sẽ giảm nhiều ở giới trung lưu do ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát, thị trường chứng khoán, bất động sản thua lỗ. Tất cả biến động đều khiến họ phải cân nhắc rất nhiều, thậm chí quyết định không đi chơi Tết," ông nói thêm.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp khác, dịp cuối năm thường đang là mùa thấp điểm, hưởng nhiều ưu đãi từ hãng không và khách sạn. Nhiều gia đình, cá nhân cũng đã tự túc đi du lịch nếu sắp xếp được thời gian. Đây cũng là một lý do nữa khiến nhu cầu đi chơi Tết giảm xuống.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng chỉ ra những khó khăn chung nằm ở hậu quả sau dịch COVID-19, thị trường bất ổn do chiến tranh Nga-Ukraine dẫn đến lạm phát và giá cả tăng… Vì vậy, vé máy bay và chi phí cũng đều tăng. Nhiều cơ sở dịch vụ mở hạn chế, thiếu nhân lực, chất lượng dịch vụ không được tốt như trước.

Theo ước lượng của ông, chi phí dịch vụ, tour có thể tăng 20-30%, thậm chí cao hơn so với thời kỳ trước dịch. Tình hình thị trường này buộc các công ty du lịch phải có phương án linh động và mang tính thích ứng hơn.

Sắp xếp thời gian để hưởng giá tốt

Năm nay, Tết Âm lịch Quý Mão 2023 sẽ kéo dài 7 hoặc 9 ngày, phù hợp với cho một chuyến du lịch trọn vẹn. Các tour du lịch tiếp tục trải rộng với nhiều nhu cầu từ 3 ngày 2 đêm đến 6 ngày 5 đêm và nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, khởi hành vào thời điểm lý tưởng (như mùng 2, mùng 3 Tết) lại có những mức giá chênh lệch đáng kể.

Các tour trong và ngoài nước hiện nay đều được thiết kế theo theo ba mốc khởi hành khác nhau: Trước Tết (27, 28, 29 tháng Chạp), trong Tết (thông thường từ mùng 2 tháng Giêng) và cuối Tết (mùng 5 tháng Giêng).

Mùa Xuân Mộc Châu với cảnh quan hoa mận trắng tinh khôi. (Ảnh: Vietnam+) 

Mức chi phí chênh nhau có nơi lên đến khoảng 30%. Trong đó, mức chi phí di chuyển trong Tết là cao nhất.

Ví dụ với Công ty Lữ Hành Việt, tour Hà Nội - Pattaya (Thái Lan) 4 ngày 3 đêm có các mức như 7.990.000 đồng (khởi hành 29 Tết). Khách chọn khởi hành mùng 2 và mùng 3 Tết cũng sẽ có hai mức giá khác nhau, lần lượt là 9.990.000 đồng và 10.390.000 đồng.

Một số tour có mức chênh lệch lớn hơn, ví dụ tour Hà Nội đi Nhật Bản khởi hành mùng 1 có giá 31.900.000 đồng, đến mùng 2 tăng thành 38.900.000 đồng.

Cùng với đó, các công ty du lịch đang đưa ra một số ưu đãi để thu hút khách hàng đặt vé sớm.

Theo đại diện Công ty du lịch Lữ hành Việt, doanh nghiệp này có ưu đãi giảm từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng cho khách đặt sớm các tour ngoài nước dịp Tết.

Công ty BestPrice đang triển khai chương trình ưu đãi trả góp lãi suất 0% áp dụng với một số tour Tết nhất định đồng thời giảm 1 triệu nếu khách đặt sớm.

Đại diện doanh nghiệp lữ hành AZA cũng cho biết công ty có ưu đãi  tour đi Nhật giảm 15% do đồng Yên đang giảm và còn rất nhiều ưu đãi của các bên khác...

Với các chính sách đa dạng như vậy, khách hàng cần hỏi trước để biết mức độ ưu đãi chính xác đối với tour mình quan tâm đồng thời ưu đãi còn được áp dụng hay không.

Hiện nay, các điểm đến đến được yêu thích vẫn trải dài trên ba miền Bắc-Trung-Nam. Trong đó, khu vực miền núi phía Bắc có Mộc Châu, Sa Pa, Hà Giang… với hoa mận, đào rừng đua nở; khu vực miền Trung và Nam có Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tây Nguyên, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết…

[Phú Quốc - Từ hòn đảo vắng khách đến thiên đường đầu tư]

Nhiều khách đi trong nước chỉ đi theo dạng tour ghép (đi ghép tour nhưng không bao gồm tiền ăn và tự túc đi thăm quan), tạo sự tự do thoải mái thay vì đi theo tour trọn gói.

Với du lịch nước ngoài, khách du lịch chủ yếu để mắt đến các tour đi Thái Lan, Indonesia, Malaysia… “Bộ ba” điểm đến Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng được quan tâm chú ý.

Các chuyến đi du lịch nối tiếp nhiều nước châu Âu, du lịch khám phá châu Phi, châu Mỹ cũng khá đa dạng và được các doanh nghiệp lữ hành thiết kế, sẵn sàng phục vụ mùa Tết.

Hiện nay, nhiều công ty lữ hành không tổ chức tour đi Qatar. Để dồn sức cho World Cup, nước này chỉ tập trung phục vụ cho khách có thẻ Hayya (thẻ định danh cho người hâm mộ đã mua vé xem bóng đá).

Khách quan tâm điểm đến này có thể chờ khi World Cup gần kết thúc (ngày 18/12) để hỏi kế hoạch các hãng lữ hành đồng thời có sắp xếp công việc phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục