Tour du lịch leo núi khám phá cây thông cổ thụ quý hiếm nhất Việt Nam

Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà sẽ phối hợp với doanh nghiệp mở tour du lịch leo núi dành cho những du khách yêu thiên nhiên khám phá cây thông hai lá cổ thụ 1.200 năm tuổi ở khu Cổng Trời.
Tour du lịch leo núi khám phá cây thông cổ thụ quý hiếm nhất Việt Nam ảnh 1Ông Lương Quốc Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà giới thiệu một cây thông 2 lá non chỉ sống được ở Cổng Trời. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà có nơi nơi rất cao gọi là Cổng Trời - nơi lưu dấu của thời tiền sử.

Nơi đây có hàng trăm loài loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt có một cây thông hai lá cổ thụ 1.200 năm tuổi.

Để phát triển du lịch, thời gian tới, Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà sẽ phối hợp với doanh nghiệp mở tour du lịch leo núi dành cho những du khách yêu thiên nhiên khám phá địa danh này.

Những người “tiền trạm” lên cây thông già nhất Việt Nam

Nhóm phóng viên trở thành những người may mắn khi được tiền trạm tour du lịch mới này. Từ địa bàn xã Đạ Tông (huyện Đam Rông), để lên được đến cây thông cổ thụ, người tham quan phải đi bộ khoảng 2km dưới tán rừng già ở độ cao 1.800m so với mực nước biển.

Đường đi nhiều đoạn khá dốc nhưng mát mẻ. Trên đường đi, mọi người phải len lỏi qua dưới gốc cây cổ thụ, trong đó lớn nhất là những cây thông hai lá có tuổi đời từ 500-800 tuổi.

Dưới chân là thảm thực vật và lớp mùn dày vài chục cm được tạo ra bởi lá cây mục nát... Nơi được quan tâm nhất chính là cây thông hai lá nhiều tuổi nhất Việt Nam có chu vi gốc lớn tới 7 người lớn nối vòng tay mới ôm hết, cao khoảng 30m.

Phía trên là những cành cây vươn ra với đủ hình dáng, cành lá tươi tốt. Các loại phong lan, rong rêu và cây ký sinh bám xung quanh tạo nên dáng vẻ xù xì, thô mốc. Dưới gốc cây là lớp mùn mục nát cùng với những đoạn rễ lớn tạo ra lớp xốp sâu tới nửa mét. Gốc cây được bao quanh bởi tầng tầng lớp lớp cây rừng, tạo nên cảnh quan kỳ thú.

[Phát hiện nhiều giống thú hiếm tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà]

Theo ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, thân cây thông này có đường kính khoảng gần 3m. Do cây quá già, các nhà khoa học không dùng phương pháp khoan tăng trưởng thân cây như những cây còn trẻ để đếm vòng sinh trưởng.

Tuy nhiên, bằng những cách tính khác có thể xác định, cây có tuổi đời từ 1.100-1.200 năm tuổi. Trong cuộc sống cộng đồng người K'ho, Cil, Lạch ở địa phương, cây thông này là nơi các vị thần trú ngụ, không ai được xâm phạm và luôn được bảo vệ…

Tour du lịch leo núi khám phá cây thông cổ thụ quý hiếm nhất Việt Nam ảnh 2Cây thông hiện được coi là cổ thụ nhất Việt Nam khoảng 1.200 năm tuổi. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Sau chuyến đi tiền trạm lên Cổng Trời, anh Hideo Miyoshi (tình nguyện viên JICA Nhật Bản hiện đang tham gia hỗ trợ Trung tâm Xúc tiến du lịch Lâm Đồng) cho biết anh bất ngờ trước sự đa dạng của hệ sinh thái ở khu vực này, đặc biệt là lần đầu tiên chứng kiến một cây cổ thụ lớn và nhiều tuổi như vậy.

Điều này giúp thu hút du khách nước ngoài quan tâm và ưa thích du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Sau chuyến đi, anh sẽ có bài viết giới thiệu về tuyến du lịch rất thú vị này.

Anh Ko Sa En Luy, một hướng dẫn viên du lịch người dân tộc K’Ho chi sẻ, bình thường, mọi người trong làng vẫn đi làm rẫy, canh tác, sản xuất nhưng khi có các đoàn khách đến tham quan sẽ được Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà mời đến làm hướng dẫn viên du lịch hoặc làm việc tại các gian trưng bày sản phẩm giới thiệu cho du khách về nền văn hóa của dân tộc mình...

Phát triển bền vững du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà được thành lập ngày 19/11/2004; quản lý diện tích trên 70.000 ha thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đam Rông. Vườn có vị trí địa lý giáp các tỉnh Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Vườn được coi là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam, đạt hai danh hiệu là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn Di sản ASEAN. Đây là khu vực được ưu tiên bảo vệ số 1 (SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn.

Tour du lịch leo núi khám phá cây thông cổ thụ quý hiếm nhất Việt Nam ảnh 3Người dân tộc K'Ho trình diễn dệt thổ cẩm theo phương thức truyền thống tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Vườn có sự đa dạng sinh học kết hợp cùng các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc biệt như các đỉnh núi Bidoup, Langbiang, hồ Đan Kia-Suối Vàng, rừng thông, thác nước trên sông K’Rông Nô, khu rừng thông hai lá dẹt đại cổ thụ, khu rừng nguyên sinh Núi Hòn Giao… Nơi đây có tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng.

Thạc sỹ Trương Quang Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà cho biết từ khi thành lập đến nay, Vườn đã tham gia đề xuất và thực hiện 14 nhiệm vụ khoa học-công nghệ; phối hợp công bố các phát hiện mới cho hơn 50 loài thực vật, 5 loài động vật sinh sống tại Vườn.

Từ 1.468 loài thuộc 673 chi, 161 họ, qua nghiên cứu đến nay đã tăng lên 2.089 loài trong tổng số 13.000 loài của khu hệ thực vật Việt Nam. Đáng chú ý năm 2020, Vườn phối hợp công bố phát hiện loài Mang lớn Muntiacus vuquangensis, một loài thú móng guốc chỉ có thể được tìm thấy ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN; công bố loài Thỏ vằn Trường Sơn được ghi nhận lần đầu tiên ở Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.

Theo thống kê, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà có 2.077 loài thực vật, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần…; là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới. Đây cũng là nơi được mệnh danh "vương quốc của các loài hoa lan" với 302 loài.

Hiện Vườn đang thực hiện 9 dự án hợp tác quốc tế. Điển hình là Hợp tác với Đài quan sát trái đất, Đại học Columbia (Mỹ) về nghiên cứu biến đổi khí hậu thông qua vòng năm cây rừng (đối tượng nghiên cứu là cây Pơ Mu hơn 1.300 năm tuổi trên đỉnh Biodup); hợp tác với Trường Đại học Manhattan (Mỹ) tổ chức chương trình trải nghiệm nghiên cứu khoa học quốc tế hàng năm (IREs) theo chủ đề “Khám phá Khoa học về đa đạng hệ sinh thái và môi trường” cho hơn 30 lượt học sinh quốc tế; hợp tác với Quỹ các Vườn Thực vật Hoàng gia Úc trong việc nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, vận hành Vườn thực vật Bidoup-Núi Bà...

Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà đã tổ chức các tour du lịch gắn với chương trình tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Điển hình như tổ chức các tour cho học sinh đi tham quan vườn quốc gia; ký kết biên bản ghi nhớ với các công ty lữ hành, các trường Đại học Văn Lang, Tôn Đức Thắng… tổ chức cho 300 em mỗi năm tham quan Vườn Quốc gia.

Đáng chú ý, tour leo núi 2 ngày 1 đêm lên đỉnh Bidoup - được coi là nóc nhà của Tây Nguyên nơi có cây Pơmu 1.300 năm tuổi; các tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và hướng dẫn viên du lịch đều là con em các dân tộc địa phương.

Riêng trong năm 2022, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà đã đón 6.500 du khách trong nước và quốc tế tới thăm quan.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, đơn vị đang có định hướng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn giữ được tính bản sắc và đặc thù của Vườn Quốc gia.

Thời gian tới, Vườn sẽ cho 50 doanh nghiệp thuê trên 24.000ha dưới tán rừng để phát triển du lịch sinh thái. Vườn đang phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn GBQ tổ chức tour du lịch lên Cổng Trời tham quan cây thông trên 1.000 năm tuổi. Sau các chuyến tiền trạm và chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyến du lịch này sẽ sớm đi vào hoạt động, mở thêm một điểm du lịch mới trên địa bàn thu hút du khách đến địa phương./.

Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, giới thiệu một cây thông 2 lá non chỉ sống được ở Cổng Trời. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, giới thiệu một cây thông 2 lá non chỉ sống được ở Cổng Trời. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Cây thông hiện được coi là cổ thụ nhất Việt Nam khoảng 1.200 năm tuổi. Thời gian tới, Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn GBQ, mở tour du lịch leo núi dành cho những du khách yêu thiên nhiên lên khám phá địa danh này. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Cây thông hiện được coi là cổ thụ nhất Việt Nam khoảng 1.200 năm tuổi. Thời gian tới, Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn GBQ, mở tour du lịch leo núi dành cho những du khách yêu thiên nhiên lên khám phá địa danh này. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Nấm Linh chi cổ cò được phát hiện trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Nấm Linh chi cổ cò được phát hiện trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Hướng dân viên du lịch người dân tộc K'Ho giới thiệu cách chơi nhạc cụ dân tộc cho du khách Nhật Bản. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Hướng dân viên du lịch người dân tộc K'Ho giới thiệu cách chơi nhạc cụ dân tộc cho du khách Nhật Bản. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Các chị em người dân tộc K'Ho trình diễn dệt thổ cẩm theo phương thức truyền thống tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Các chị em người dân tộc K'Ho trình diễn dệt thổ cẩm theo phương thức truyền thống tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục