Sau nhiều ý kiến băn khoăn, đắn đo, cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch vào các ngày 8-10/8.
Đây là một quyết định có thể nói là khó khăn, dũng cảm nhưng cần thiết, đồng thời đặt ra cho ngành giáo dục, các địa phương nhiều vấn đề phải xử lý trong những ngày tới, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp ở một số nơi.
Hiện ngành giáo dục, y tế, các địa phương và phụ huynh, học sinh đang nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn về mọi mặt cho kỳ thi quan trọng này.
Tất cả đang nỗ lực để mỗi điểm thi là một "pháo đài” an toàn, tạo môi trường thoải mái nhất có thể cho các thí sinh tập trung "vượt vũ môn" thành công.
Chuẩn bị chu đáo
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo.
Kỳ thi đánh giá kết quả của giai đoạn học kiến thức phổ thông, cơ sở cho các thí sinh chuyển tiếp sang giai đoạn cao hơn, học tập kiến thức chuyên môn trình độ đại học, cao đẳng.
[Thi Tốt nghiệp THPT: Triển khai hàng loạt giải pháp chống dịch]
Vì tính chất quan trọng như vậy nên tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 3/8 vừa qua Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chia sẻ: "Kỳ thi này liên quan đến vấn đề xét tuyển Đại học nên không thể lùi được."
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ hiện ngành giáo dục tại các địa phương đều đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và cán bộ, giáo viên làm công tác thi; chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy chế thi; chủ động rà soát, phân loại những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết Sở đã chuẩn bị các phương án thi với 75.000 thí sinh, rà soát 115 điểm thi với và các điểm thi dự phòng.
Để phục vụ cho kỳ thi này, Thành phố Hồ Chí Minh bố trí hơn 14.620 cán bộ giáo viên, nhân viên, công an tham gia công tác tổ chức kỳ thi, trong đó hơn 12.000 cán bộ tham gia công tác coi thi và hơn 2.000 cán bộ tham gia công tác chấm thi.
Để phòng tránh dịch, tất cả các thí sinh, cán bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi đều phải khai báo y tế đầy đủ, riêng đối với lực lượng in sao đề thi sẽ được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn. Đồng thời, rà soát kỹ thí sinh, cán bộ, nhân viên tham gia nhiệm vụ tại kỳ thi thuộc diện F0, F1, F2 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tại mỗi điểm thi đều đã bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng và phòng chăm sóc y tế để kịp thời hỗ trợ thí sinh.
Mỗi điểm thi đều có cán bộ y tế túc trực. Thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, các điểm thi không tổ chức khai mạc, không tập trung thí sinh ở sân trường.
Khi đến điểm thi, thí sinh sẽ được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn lên phòng thi. Ngành Giáo dục đã chuẩn bị sẵn khẩu trang dự phòng, nước rửa tay.
Tại các điểm thi, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo ngành y tế hỗ trợ các điểm thi triển khai tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước ngày làm việc đầu tiên 2 ngày và sau mỗi ngày làm việc.
Tất cả vì sự an toàn cho kỳ thi
Trong điều kiện vừa đảm bảo an toàn cho kỳ thi vừa phòng chống dịch, công tác bảo đảm tính bảo mật, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi cũng đã được thực hiện nghiêm túc.
Công an Thành phố cũng đã có phương án trực chốt và giải tỏa nhanh các khu vực kẹt xe trong các ngày thi; kiểm tra an toàn cháy nổ tại các điểm thi; bố trí trực 24/24 giờ trên các địa bàn có điểm thi.
Đồng thời, các địa phương bố trí lực lượng đảm bảo an toàn, trật tự trước cổng trường, xung quanh khu vực điểm thi, giải tỏa nhanh, thực hiện tốt công tác giãn cách vào cuối mỗi buổi thi; hỗ trợ các điểm thi trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ. Tất cả vì sự an toàn, thoải mái nhất cho học sinh và phụ huynh, lực lượng làm nhiệm vụ tại kỳ thi.
Có thể nói, không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác trong cả nước cũng đã và đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020.
Các khâu từ ôn tập kiến thức cho thí sinh đến chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, tập huấn cho lực lượng phục vụ kỳ thi, chuẩn bị các phương án phòng chống dịch COVID-19 cũng đã được các địa phương cơ bản hoàn tất.
Để có các “pháo đài” an toàn cho kỳ thi, ngoài sự chuẩn bị kỹ càng của ngành giáo dục, y tế và chính quyền các địa phương thì sự chia sẻ, hợp tác của phụ huynh và thí sinh tham gia kỳ thi cũng rất quan trọng.
Bên cạnh chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức cho kỳ thi, các thí sinh và phụ huynh cũng cần chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là không tập trung đông người trước, sau giờ thi tại các điểm thi; chủ động hợp tác với lực lượng chức năng, địa phương trong công tác đảm bảo, duy trì trật tự tại các điểm thi...
Chia sẻ về kỳ thi này, nhiều phụ huynh và học sinh lớp 12 cho biết, tuy có tâm trạng lo lắng nhưng tất cả đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng bước vào đợt "vượt vũ môn" quan trọng này, đồng thời rất yên tâm với công tác chuẩn bị tổ chức thi chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, nhất là các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm thi.
Ngoài về ôn luyện kiến thức, phụ huynh và các em học sinh cũng đặc biệt chú ý đến thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến nơi công cộng...
Với tinh thần "mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố là pháo đài chống dịch " mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại vừa qua, tất cả hãy cùng chung tay xây dựng các “pháo đài” an toàn tại mỗi điểm thi, góp phần cho sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 8-10/8 tới đây./.