Thiên đường đã mất

Tonga - Thiên đường du lịch đang dần bị đánh mất

Từng được coi là thiên đường du lịch ở Thái Bình Dương, nhưng giờ Tonga đang lâm vào tình cảnh khó khăn do khủng hoảng tài chính.
Quảng bá hình ảnh bằng những vùng biển đầy cá voi cá heo, một khung cảnh thơ mộng với hoa đồng nội nở rộ, Tonga mang tới cho du khách một hình ảnh như ở chốn Bồng lai tiên cảnh. Nhưng phía sau những hình ảnh hào nhoáng của "Quần đảo thân thiện" là một quốc gia đang ngập trong nghèo khổ, nơi hàng ngàn người gặp khó khăn vì mất kiều hối do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Tôi nghĩ rằng khi anh nhìn vào cuộc sống của từng người dân, anh mới thấy họ thực sự rất khổ" - giám đốc một nhà xuất bản, Kalafi Moala nói, cho biết thêm rằng khó khăn tài chính đã xuất hiện từ trước cuộc khủng hoảng diễn ra hồi năm 2008. "Bởi vì dù bức tranh kinh tế vĩ mô của nền kinh tế trông ảm đạm trong mấy năm trở lại đây, người dân vẫn có đủ tiền để mua đồ ăn thức uống. Nhưng giờ anh có thể thấy sự khổ sở xuất hiện khắp nơi". Vương triều nắm quyền ở Tonga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái. Kiều hối, trong đó Tonga dựa vào để tạo ra ít nhất 35% GDP, đã khô cạn nhanh chóng. Công việc vốn rất dễ kiếm ở đây như nghề xây dựng, phối cảnh nội thất... đã biến mất sau chỉ một đêm, kết cục là nhiều người mất thu nhập. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng 2008 còn khiến giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, dẫn tới hệ quả là lạm phát cao. Mỗi năm ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp gia nhập hàng ngũ những người thất nghiệp.
[Vua Tonga George Tupou V băng hà ở Hong Kong]
Chính phủ Tonga nói rằng tác động từ khủng hoảng đã được giảm nhẹ phần nào bởi những khoản vay nóng. Nhưng trong một thông báo về ngân sách đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ đã cảnh báo việc vay thêm tiền sẽ đẩy Tonga vào nguy cơ căng thẳng nợ. Vương quốc Tonga hiện có quy mô dân số chừng 106.000 người, nhưng khoảng gấp đôi con số đó sống ở nước ngoài, phần lớn là Mỹ, New Zealand và Australia. Họ thường gửi thu nhập về quê nhà. Derek Brien, người lãnh đạo Viện nghiên cứu Chính sách công Thái Bình Dương, cho rằng Tonga gặp may mắn vì còn có kênh kiều hối này. Tuy nhiên ông cũng chỉ ra rằng việc dựa vào kiều hối khiến Tonga dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ở nước ngoài. "Tôi đoán các câu hỏi đặt ra hiện nay là: 'Làm sao anh có thể tự vệ trước những cú sốc từ bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tới dòng chảy kiều hối và vì thế gây hiệu ứng xấu ở quê nhà?" - ông nói - "Đây không chỉ là thách thức với riêng Tonga mà còn với cả các nền kinh tế nằm ở các hòn đảo nhỏ hơn ở Thái Bình Dương". Hy vọng lớn cho Tonga, một quần đảo với khoảng 170 đảo nhỏ nằm rải rác trên một khu vực rộng 700.000km2 là du lịch. Lượng du khách tới đây đang tăng lên, nhưng con số này vẫn còn nhỏ, chỉ dưới 90.000 người mỗi năm. Du lịch chưa bao giờ là ngành đóng góp nhiều cho GDP Tonga, vốn đạt 706 triệu dollar Tonga (515 triệu USD) hồi năm ngoái. Số liệu thống kê cũng cho thấy du lịch mang về 60 triệu dollar Tonga trong 12 tháng tính tới tháng 1/2011 và đây là mức cao nhất trong thập kỷ qua. Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng sau các vụ xung đột bạo lực ở thủ đô Nuku'alofa hồi năm 2006 khiến cho khu vực trung tâm đầy những xác xe cháy. Ngoài ra khu vực Niuatoputapu của quần đảo cũng hứng chịu một trận sóng thần hồi năm 2009. Các sự kiện này diễn ra theo sau sự sụp đổ của hãng hàng không quốc gia Royal Tongan Airlines hồi năm 2004. Tonga hy vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế đạt mốc 2% trong năm 2013-2014, chủ yếu dựa vào hoạt động du lịch tới các đảo như Vava'u, vốn có bãi cát trắng tuyệt đẹp và điều kiện lý tưởng cho những người thích môn bơi thuyền.

Tonga là Vương triều duy nhất còn tồn tại ở Thái Bình Dương (Nguồn: AFP)
Nhưng trong thông báo ngân sách mới nhất, chính phủ nói rằng ngành công nghiệp du lịch hiện vẫn nằm trong tình trạng bị cô lập, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu vốn tiếp thị hình ảnh, các di chỉ lịch sử dược bảo tồn kém và nơi ở cho du khách cần được nâng cấp. Quyền giám đốc Bộ Du lịch, Sandra Fifita, nói rằng lĩnh vực du lịch có tiềm năng lớn cho Tonga. "Đây là lĩnh vực chính có thể mang lại đầu tư nước ngoài vào Tonga, lớn hơn nhiều nông và ngư nghiệp" - bà nói. Chung quan điểm, Moala đánh giá:"Du lịch có thể dẫn đầu mọi lĩnh vực khác về doanh thu. Đó là ngành duy nhất chúng tôi nên đặt hy vọng vào. Sẽ có rất nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, thay đổi về tư tưởng phải diễn ra ở Tonga. Nhưng chúng tôi phải xây dựng ngành công nghiệp du lịch như bộ phận mang lại thu nhập chính cho nền kinh tế Tonga. Chúng tôi vẫn còn một chặng đường rất dài để đi tiếp" ./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục