Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 giảm mạnh

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt 4.362,13 triệu USD, bằng khoảng 68% của năm 201,3 do các cơ quan Việt Nam chú trọng mục tiêu duy trì nợ công bền vững.
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 giảm mạnh ảnh 1Cầu Nhật Tân - một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 3/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) và Vốn vay ưu đãi cùng 6 ngân hàng phát triển tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA giữa Ban chỉ đạo Quốc gia về ODA và Vốn vay ưu đãi và nhóm 6 ngân hàng phát triển.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, sự tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về ODA và các nhà tài trợ đã đạt được những tiến bộ nhất định do sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ODA.

Thời gian qua, các Bộ, ban, ngành cũng đã xây dựng được nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế. Các cơ quan đã nỗ lực triển khai kế hoạch hành động, cải thiện các dự án ODA của Chính phủ.

Một loạt các dự án đã được đưa vào hoạt động, đóng góp đánh kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, từ tất cả các ngành như giao thông vận tải, năng lượng, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, giáo dục đào tạo, y tế...

Đây là những dự án có tác động tốt đến việc tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2014, trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi sau suy thoái song chưa bền vững, không đồng đều và đối mặt với nhiều thách thức.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, nguồn cung ODA trên thế giới tiếp tục có chiều hướng giảm trong khi nhu cầu vốn ODA để hỗ trợ các quốc gia kém phát triển (LDC) và những nước có tình hình chính trị bất ổn ngày càng tăng, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước tiếp nhận viện trợ.

Trong bối cảnh này, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt các nước có thu nhập trung bình (MIC) ngoài việc tiếp tục huy động nguồn viện trợ trên cơ sở quan hệ Bắc-Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác Nam-Nam và thực hiện các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), kiều hối, các quỹ... để kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Xu thế chủ đạo này của thế giới đã được thể hiện qua các cam kết trong Tuyên bố Busan (2011) về Hợp tác Phát triển Hiệu quả và gần đây nhất là Tuyên bố chung của Diễn đàn cấp cao Quan hệ Đối tác toàn cầu (Mexico, tháng 4/2014).

Trong khi đó, năm 2014, kinh tế-xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các giải pháp điều hành của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng đã có cải thiện rõ nét, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với mức lạm phát thấp, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với bạn bè quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yếu tố thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Công tác vận động và thu hút nguồn ODA và vốn vay ưu đãi có nhiều chuyển biến tích cực, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt 4.362,13 triệu USD (4.160,08 triệu USD ODA vốn vay và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại). Tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2014 bằng khoảng 68% của năm 2013.

Nguyên nhân dẫn đến giá trị ký kết năm 2014 thấp hơn so với năm trước đó là do các cơ quan Việt Nam chú trọng đến công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt chất lượng văn kiện và tính khả thi của các chương trình, dự án, đảm bảo mục tiêu duy trì nợ công bền vững…

Các đại biểu tại Hội nghị đã nghe báo cáo của các Bộ, ban, ngành, địa phương về thực hiện, triển khai hoạt động trong các lĩnh vực như: tổng quan tình hình thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014; tình hình rà soát Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, đối với vấn đề cho vay lại và mức tạm ứng để giải quyết hợp đồng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi; đánh giá các dự án cấp nước, xử lý nước thải, rác thải sử dụng vốn ODA, so sánh chi phí so với việc sử dụng vốn trong nước; tình hình xây dựng hướng dẫn và quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi; tình hình sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế năm 2005 phù hợp với Hiến pháp năm 2013, trong đó cho phép áp dụng quy trình rút ngọn đối với việc ký kết các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ...

Kết luận Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị, năm 2015 cần nâng cao năng lực để giải ngân các dự án ODA (sử dụng hiệu quả những nguồn vốn đã có, đã cam kết).

Các Bộ, ngành, các địa phương cần nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án; tăng cường công tác chuẩn bị và tiến độ đàm phán ký kết; công tác tăng cường, giám sát, đánh giá, phối hợp, kiểm điểm dự án, chống tiêu cực tham nhũng...

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch Ban Chỉ đạo ODA năm 2015, khắc phục những nhược điểm những năm trước, lập các đoàn kiểm tra chéo.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục