Tổng vốn chủ sở hữu 19 'ông lớn' Nhà nước đạt 1,15 triệu tỷ đồng

Sau 5 năm chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đã tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,15 triệu tỷ đồng.
Tổng vốn chủ sở hữu 19 'ông lớn' Nhà nước đạt 1,15 triệu tỷ đồng ảnh 1Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt 1,8 triệu tỷ đồng và chiếm 20% GDP cả nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết đơn vị này đang đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất- kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Tại tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới," do Báo Đầu tư tổ chức (ngày 26/9), ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ, tính đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,15 triệu tỷ đồng. Theo đó, tổng tài sản hợp nhất đạt 2,49 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước.

[Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước: Đề xuất 6 nhóm giải pháp]

So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất đã tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,15 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng tương ứng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh hàng năm có sự tăng trưởng. Tính riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,8 triệu tỷ đồng và chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018).

Cũng theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trong giai đoạn 2018-2023, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch Đầu tư Phát triển với tổng giá trị ước đạt 770 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn chủ sở hữu 19 'ông lớn' Nhà nước đạt 1,15 triệu tỷ đồng ảnh 2Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới," do Báo Đầu tư tổ chức, ngày 26/9. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Uỷ ban và các đơn vị thành viên. Với 12 dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ của ngành Công thương, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện 8 dự án. Còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ 3 phương án xử lý, bao gồm Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS đã trình ngày 28/8/2023; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 và Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - VTM đã trình ngày 15/9/2023.

Ông Phạm Văn Sơn chỉ ra một số tồn tại khác, như một số công việc chưa bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định, cơ hội và nguồn lực tổ chức, tham gia các sự kiện quốc tế về đổi mới và quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế...

Theo vị đại diện này, nguyên nhân là khối lượng công việc phát sinh lớn phạm vi, tính chất công việc rộng, phức tạp, liên quan đến 16 ngành kinh tế-kỹ thuật; trong khi nguồn lực còn thiếu và hạn chế cả về số lượng cũng như trình độ, năng lực cán bộ...

Theo ông Phạm Văn Sơn, các tập đoàn, tổng công ty cũng chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao. Nguồn vốn đầu tư phân bổ chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp... là chưa có. Hoạt động đầu tư chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ với năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu, từ việc chuẩn bị dự án kỹ và toàn diện, lựa chọn nhà thầu.

Nguyên nhân là các quy định pháp luật chưa đồng bộ nên chưa tạo sự chủ động cho doanh nghiệp đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời. Ngoài ra, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Thêm vào đó, năng lực nhân sự về đầu tư các dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, công nghệ mới còn thiếu và yếu.

Tổng vốn chủ sở hữu 19 'ông lớn' Nhà nước đạt 1,15 triệu tỷ đồng ảnh 3Về giải pháp lâu dài, Uỷ ban sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do đó, ông Phạm Văn Sơn cho hay định hướng trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình ủy ban, trong đó tập trung định hướng xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp đi đôi với phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chủ động. Ngoài ra, Ủy ban cho biết sẽ tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc không được can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Về giải pháp lâu dài, Uỷ ban sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp) làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Từ đó có giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục