Tổng tiến công Xuân 1968: Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp

Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tổng tiến công Xuân 1968: Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp ảnh 1Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến tranh cục bộ, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo của ta mà đỉnh cao là đại thắng Mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công tác đảm bảo hậu cần quân đội là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử này.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo đảm hậu cần" của Đại tá, Phó Giáo sư, tiến sỹ Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Quân và dân ta đã đồng loạt tiến công kết hợp với nổi dậy ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, tập trung đánh vào nội thành và các cơ quan đầu não, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng lớn, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của địch.

Ở nhiều nơi, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, đập tan bộ máy chính quyền của địch. Trong thắng lợi đó, công tác hậu cần đã góp phần to lớn bảo đảm cho các lực lượng tham gia chiến đấu. Từ những thành công và hạn chế về công tác hậu cần, cho thấy phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác hậu cần là bài học kinh nghiệm quý báu còn nguyên giá trị cho hiện tại và tương lai.

Bảo đảm các mặt hậu cần của các đơn vị cơ sở

Để tiến hành thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tác chiến phải huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng như hậu cần chiến dịch, hậu cần cơ sở, hậu cần nhân dân.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố, thị xã thì khả năng độc lập, tự lực của hậu cần đơn vị cơ sở, sự tham gia của bộ đội, việc huy động trong nhân dân là rất quan trọng. Đây là lực lượng trực tiếp bảo đảm kịp thời và hiệu quả nhất về mọi mặt hậu cần cho từng trận chiến đấu, từng tình huống đột xuất trong quá trình tác chiến.

Trước hết, phải nâng cao khả năng độc lập, tự lực bảo đảm các mặt hậu cần của các đơn vị cơ sở.

Thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” đế quốc Mỹ đã huy động tối đa lực lượng mở các cuộc hành quân càn quét hòng “tìm diệt” lực lượng chủ lực của quân giải phóng, tìm phá các căn cứ cách mạng. Với khả năng và thủ đoạn tác chiến đó, quân Mỹ đã gây khó khăn, trở ngại rất lớn cho ta trong việc tổ chức bảo đảm hậu cần theo tuyến từ hậu cần chiến dịch đến các đơn vị trong quá trình tác chiến.

Trong tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở Sài Gòn-Gia Định, trong thế trận xen kẽ địch, ta, các tiểu đoàn “mũi nhọn” và lực lượng biệt động chiến đấu trong nội đô, việc cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh vô cùng khó khăn, thời gian chuyển thương binh về tuyến sau phải mất tới từ 10 - 15 ngày đêm. Có đội phẫu thuật phải bố trí ở cơ sở ngay trong vùng địch, nhiều trường hợp địch tập kích, đánh phá, phong toả đường vận chuyển từ tuyến chiến dịch, từ các căn cứ hậu cần xuống hậu cần các sư đoàn, trung đoàn; gây sự chia cắt hàng chục ngày... Bởi vậy việc nâng cao khả năng tự lực bảo đảm cho hậu cần đơn vị cơ sở là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong bảo đảm hậu cần cho đơn vị chiến đấu được liên tục.

[Tổng tiến công Xuân 1968: Chuyện về những cô gái Sài Gòn đi tải đạn]

Ở mặt trận Huế, hậu cần mặt trận đã tăng cường dự trữ vật chất cho eBB6 tiến công trên hướng chủ yếu “dự trữ gạo 1 tháng, thuốc chiến thương bảo đảm cứu chữa 800 thương binh, đạn các loại gồm 2 cơ số”. Tại Sài Gòn - Gia Định, ngay thời gian đầu đợt 1, khi địch tăng cường đánh phá tuyến vận tải, phong toả khu vực ngoại thành, hậu cần chiến dịch đã tổ chức các đội “phẫu thuật mũi nhọn”, “đội phẫu thuật xung kích” tăng cường xuống các phân khu nội đô để cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh. Nhờ vậy công tác cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh được kịp thời.

Hai là phát huy khả năng bộ đội, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tích cực tham gia công tác bảo đảm hậu cần

Trong tổng tiến công và nổi dậy, các trận đánh diễn ra trong điều kiện tác chiến rất ác liệt, gian khổ, dài ngày. Tỷ lệ thương vong trong các trận đánh, các chiến dịch cao, đời sống sinh hoạt của bộ đội thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt, từ ăn uống đến thuốc men. Bởi vậy việc huy động, động viên lực lượng bộ đội tích cực tham gia công tác bảo đảm hậu cần có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần to lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho chiến đấu.

Trước hết phải tổ chức giáo dục, xây dựng cho mọi cán bộ, chiến sỹ có ý thức trách nhiệm cao, tự giác, chủ động tham gia các mặt công tác hậu cần như vận chuyển vật chất, cứu chữa thương binh, để tự bảo đảm cho chính đơn vị mình, bản thân mình và đồng đội mình. Mặt khác, đối với ngành hậu cần các cấp ở đơn vị cơ sở, nhất là tuyến trung đoàn, tiểu đoàn phải xác định những nội dung công tác hậu cần của đơn vị để bộ đội tham gia có hiệu quả, phù hợp như công tác vận chuyển vật chất, thương binh, bệnh binh, công tác băng bó, cứu chữa bước đầu thương binh. Ở eBB8 bộ đội tự băng và đồng đội băng bó ở hỏa tuyến chiếm 78,4%. Đối với những công việc phải huy động lực lượng bộ đội nhiều, thời gian dài, phải có kế hoạch cụ thể, được người chỉ huy nhất trí và việc sử dụng phải được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, có lực lượng hậu cần làm nòng cốt, nhất là trong vận chuyển vật chất, thương binh, bệnh binh, xây dựng kho tàng, bến bãi.

Ở mặt trận Huế, từ đợt 2, địch phản kích, đánh phá ác liệt, số lượng thương vong lớn, mặc dầu đã huy động cả nhân dân, sinh viên, tham gia vận chuyển nhưng do tuyến vận tải lên vùng giáp ranh dài (nhân dân phải đi trong 14 giờ, lực lượng vận tải chuyên nghiệp đi trong 8-10 giờ) nên phải huy động bộ đội tham gia chuyển thương binh, tử sỹ về phía sau. Đến đợt 3, địch đánh phá, ngăn chặn, phong tỏa các tuyến đường từ đồng bằng lên vùng giáp ranh ác liệt, thương binh, bệnh binh ở đơn vị và các đội phẫu thuật còn nhiều, giai đoạn này ta chủ yếu sử dụng vận tải bộ và bộ đội vào công tác vận chuyển.

Xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc

Ba là kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương nhằm xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc.

Kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương trước hết phải kết hợp thế bố trí, triển khai lực lượng hậu cần quân đội trên địa bàn tác chiến gắn với thế bố trí, triển khai lực lượng hậu cần nhân dân địa phương, gắn với các cơ sở kinh tế-xã hội của địa phương như bệnh viện, kho tàng, cơ sở sản xuất, nhằm tạo nên thế liên hoàn giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương và hậu cần đơn vị cơ sở, tiện lợi trong huy động, khai thác lực lượng cơ sở vật chất hậu cần của hậu cần nhân dân địa phương, bảo đảm cho lực lượng tác chiến kịp thời, liên tục góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương còn là yếu tố quan trọng để xây dựng lực lượng, cơ sở hậu cần tại chỗ của các địa phương trên từng khu vực, từng chiến trường ngày càng phát triển lớn mạnh để bảo đảm lâu dài cho lực lượng vũ trang.

Để thực hiện việc kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương trước hết trong công tác chuẩn bị, hậu cần quân đội phải quan hệ chặt chẽ với cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, hợp đồng thống nhất chủ trương, biện pháp kết hợp. Đồng thời phải tiến hành điều tra nắm vững tình hình, khả năng bảo đảm của các cơ sở hậu cần nhân dân địa phương trong quá trình tác chiến. Trên cơ sở đó để bố trí, triển khai lực lượng hậu cần quân đội trên địa bàn hợp lý, gắn với thế bố trí, triển khai lực lượng của hậu cần nhân dân địa phương.

Tại Sài Gòn-Gia Định, hậu cần Miền đã kết hợp chặt chẽ với Hội đồng cung cấp tiền phương các tỉnh, huyện, trên các hướng tiến công đếu hình thành Ban chỉ huy thống nhất về hậu cần, gồm đoàn hậu cần khu vực, hậu cần phân khu, hậu cần đơn vị chủ lực và cấp ủy, đảng địa phương để thống nhất chỉ huy các cơ sở, kho tàng, bệnh viện, tất cả tạo thành thế vững chắc, nối liền từ hậu cần Miền xuống các hướng chiến đấu, các đơn vị cơ sở và hậu cần nhân dân địa phương. Với thế trận đó đã bảo đảm kịp thời mọi mặt hậu cần cho các lực lượng tiến công và nổi dậy.

Kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương

Bốn là kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương trong huy động lực lượng và khai thác cơ sở, vật chất bảo đảm kịp thời, liên tục cho bộ đội.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng tham gia tác chiến nhiều, địa bàn tác chiến rộng, thời gian dài, nên nhu cầu bảo đảm rất lớn, nhất là bảo đảm vật chất và cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh. Bởi vậy, việc huy động lực lượng và khai thác vật chất hậu cần tại chỗ bảo đảm cho tác chiến là yếu tố hết sức quan trọng nhằm bảo đảm được kịp thời, liên tục mọi mặt hậu cần trong mọi tình huống tác chiến.

Trên chiến trường miền Nam, từ đầu năm 1965 các tỉnh, huyện đều xây dựng hệ thống tổ chức “Hội đồng chi viện cho tiền tuyến” và tổ chức hậu cần nhân dân trên các chiến trường, ngoài hoạt động bảo đảm cho quần chúng ở cơ sở và lực lượng vũ trang địa phương đã giúp đỡ tích cực cho hậu cần các đơn vị chủ lực, tổ chức huy động lực lượng, khai thác vật chất phục vụ tiền tuyến. Hậu cần nhân dân địa phương đã huy động lực lượng tham gia các mặt bảo đảm hậu cần như vận chuyển thương binh, bệnh binh, bốc xếp, vận chuyển vật chất, cất giấu chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, ủng hộ lương thực thực phẩm, thuốc men...

Để huy động lực lượng, khai thác vật chất hậu cần, hậu cần quân đội phải quan hệ, hợp đồng chặt chẽ với lãnh đạo, chính quyền địa phương, thống nhất về chủ trương và các biện pháp huy động, khai thác nguồn lực của địa phương, đồng thời phải tổ chức, chỉ đạo lực lượng khai thác, tiếp nhận chu đáo, đúng quy định. Mặt khác hậu cần quân đội có trách nhiệm bồi dưỡng, xây dựng lực lượng, cơ sở hậu cần nhân dân địa phương ngày càng phát triển vững mạnh để bảo đảm lâu dài.

Ở Sài Gòn-Gia Định, hậu cần Miền đã kết hợp chặt chẽ với “Hội đồng cung cấp tiền phương” các tỉnh, huyện, đã huy động 1,8 triệu ngày công tham gia vận tải và phục vụ chiến đấu. Chỉ riêng tỉnh Long An đã huy động 3 bệnh viện, với khả năng thu dung: 1.800 thương binh, bệnh binh để phục vụ chiến đấu. Nội thành Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng 19 cơ sở chính trị, gồm 325 gia đình, tạo được 400 điểm ém giấu lực lượng, vũ khí, vật chất gần các mục tiêu biệt động đánh chiếm. Tổng kết công tác hậu cần Miền trong tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh giá: “Hội đồng cung cấp tiền phương các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã đóng góp to lớn cùng hậu cần Miền bảo đảm cho tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định giành thắng lợi to lớn, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Bộ Tư lệnh và Trung ương Cục Miền Nam giao cho”.

Tại mặt trận Huế, khu ủy và quân khu đã chủ động thành lập “Ban bảo đảm hậu phương” chỉ đạo các địa phương kết hợp với đơn vị chủ lực lập kế hoạch huy động nhân lực, cơ sở vật chất hậu cần, tổ chức thu mua lương thực, thuốc men. Hệ thống quân y, dân y trên địa bàn đã phối hợp triển khai, góp phần quan trọng trong cứu chữa thương binh, bệnh binh trong chiến đấu. Thời điểm cao nhất đã huy động trên 3.500 dân công phục vụ chiến đấu. Do đường bị phong tỏa, thương binh một số đơn vị bị kẹt lại trong thành phố và một số huyện đồng bằng phải gửi lại dân nuôi dưỡng chữa trị.

Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành

Với những thực tế sinh động trên, công tác hậu cần đã khẳng định bài học quan trọng của hậu cần quân đội là phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt là phát huy vai trò, khả năng của bộ đội, của nhân dân địa phương tham gia công tác bảo đảm hậu cần. Đây là lực lượng hùng hậu nhất, thường xuyên và trực tiếp nhất, tích cực, chủ động tham gia mọi mặt công tác bảo đảm hậu cần ở đơn vị cơ sở, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, với đối tượng tác chiến có vũ khí trang bị hiện đại, hoả lực không quân, pháo binh, tên lửa rất mạnh, khả năng cơ động nhanh, tác chiến rất ác liệt trên không gian rộng, không phân tuyến… Điều đó làm cho việc bảo đảm hậu cần theo tuyến từ hậu cần chiến dịch đến đơn vị chiến đấu rất khó khăn, phức tạp. Để nâng cao khả năng bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần cho các đơn vị chủ động bước vào chiến đấu kịp thời, có hiệu quả thì việc nâng cao khả năng độc lập, tự lực bảo đảm của hậu cần đơn vị cơ sở là nhân tố hết sức quan trọng, có vai trò quyết định.

Bởi vậy, ngay từ thời bình phải nghiên cứu, xây dựng cơ cấu tổ chức lực lượng hậu cần cấp sư đoàn, trung đoàn bộ binh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng nhân tố con người, đó là xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chiến sỹ hậu cần có phẩm chất cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành với Đảng với Tổ quốc và có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, không ngừng phát triển, đổi mới các trang bị, phương tiện vật chất kỹ thuật hậu cần theo hướng hiện đại, nhất là các phương tiện, trang bị bảo đảm cho chỉ huy, trang bị phương tiện cứu chữa thương binh, phương tiện vận tải và các loại trang bị kỹ thuật bảo đảm đời sống, sinh hoạt.

Với đường lối chiến tranh nhân dân và thế trận hậu cần khu vực phòng thủ được chuẩn bị trước từ thời bình, việc kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần khu vực phòng thủ địa phương là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, phát huy cao nhất khả năng huy động, khai thác nguồn lực tại chỗ bảo đảm cho chiến dịch tác chiến thắng lợi.

Bởi vậy, ngay từ thời bình hậu cần các cấp phải chủ động nắm chắc khả năng nguồn nhân tài, vật lực của hậu cần khu vực phòng thủ, hậu cần nhân dân để có các biện pháp kết hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức quần chúng địa phương để huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở, vật chất hậu cần, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm kịp thời, đầy đủ mọi mặt hậu cần cho tác chiến; nắm chắc các phương án tác chiến phòng thủ, trên cơ sở đó chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và hiệp đồng chặt chẽ với hậu cần khu vực phòng thủ các địa phương để phối hợp xây dựng, tạo thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc giữa hậu cần các cấp từ chiến lược, chiến dịch đến đơn vị cơ sở với hậu cần khu vực phòng thủ địa phương và hậu cần nhân dân rộng khắp.

Mặt khác, để phát huy vai trò bộ đội tham gia công tác bảo đảm hậu cần có chất lượng, hiệu quả trong quá trình chiến đấu, lãnh đạo và chỉ huy đơn vị cơ sở phải có kiến thức về công tác hậu cần và thường xuyên quan tâm, sâu sát lãnh đạo, chỉ huy công tác hậu cần, phải không ngừng tăng cường công tác giáo dục, động viên lực lượng bộ đội tích cực tham gia công tác hậu cần.

Đối với ngành hậu cần cấp sư đoàn, trung đoàn ngay từ thời bình phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về các mặt công tác hậu cần cho bộ đội, xây dựng phong trào toàn đơn vị tham gia công tác hậu cần để mọi cán bộ, chiến sỹ đơn vị có hiểu biết và kiến thức nhất định về công tác hậu cần, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống./.

Tổng tiến công Xuân 1968: Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục