Tổng Thư ký OPEC chỉ ra nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao

Theo tân Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais, cần quy trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp về nguyên nhân dẫn khiến giá năng lượng tăng cao.
Biểu tượng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/8, tân Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais cho rằng nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao không nằm ở tổ chức này mà là do các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp và các nhà đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Trả lời phỏng vấn trực tuyến hãng tin Reuters (Anh), Tổng Thư ký Al Ghais nhấn mạnh: "Đừng đổ lỗi cho OPEC mà cần quy trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp. Đó là bởi OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ đang chạy đua với thời gian để đấu tranh cho việc đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt."

Ông Al Ghais nêu rõ: "Chúng ta không nói rằng thế giới sẽ vĩnh viễn sống dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó sẽ nói rằng chúng ta đang không đầu tư vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch... Sự tồn tại của OPEC là nhằm đảm bảo thế giới luôn có đủ dầu mỏ, nhưng sẽ vô cùng khó khăn và đầy thách thức nếu không có sự tin tưởng vào vai trò quan trọng của việc đầu tư."

Tổng Thư ký OPEC cũng chỉ ra sự thiếu hụt đầu tư vào các hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi dầu khí thành sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời cho rằng các quốc gia thành viên OPEC đã tăng công suất lọc dầu để cân đối tình trạng sụt giảm nguồn cung tại châu Âu và Mỹ.

[Chuyên gia kinh tế: Giá dầu có thể ở dưới mức 100 USD đến hết 2024]

Ông Al Ghais bày tỏ hy vọng rằng các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các nhà hoạch định chính sách cũng như toàn thế giới nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của việc đầu tư và đưa vấn đề này vào các kế hoạch của họ trong tương lai.

Sự thiếu hụt đầu tư cho lĩnh vực dầu thô và khí đốt sau một đợt giảm giá do đại dịch COVID-19 đang làm giảm đáng kể năng lực dự phòng "vàng đen" của OPEC, cũng như hạn chế khả năng của tổ chức này trong việc ứng phó nhanh chóng với tình trạng gián đoạn nguồn cung tiềm tàng trong tương lai.

Tháng Bảy vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các khoản đầu tư cho dầu mỏ và khí đốt trong năm nay đã tăng 10% so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với các mức đầu tư vào năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục