Ngày 1/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố của Triều Tiên thể hiện nước này có thể nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Tổng Thư ký rất hy vọng rằng những cuộc thử nghiệm sẽ không được nối lại, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an."
Ông Dujarric nêu rõ "không phổ biến (hạt nhân) vẫn là một trụ cột cơ bản của an ninh hạt nhân toàn cầu và phải được duy trì,” đồng thời khẳng định: “Can dự ngoại giao là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình bền vững.”
[Triều Tiên cảnh báo sẽ sớm công bố 'vũ khí chiến lược mới']
Trước đó, phát biểu tại hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kéo dài 4 ngày, kết thúc ngày 31/12/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh không còn lý do gì để nước này tự ràng buộc với giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phô diễn một "vũ khí chiến lược mới" trong tương lai gần.
Cùng ngày 1/1, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Washington nên khôi phục toàn diện các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc để đáp trả những đe dọa mới nhất từ Triều Tiên.
Đăng tải trên mạng, ông Bolton viết: “Mỹ nên khôi phục toàn diện tất cả các hoạt động diễn tập quân sự đã bị đình chỉ hoặc thu hẹp quy mô tại Hàn Quốc."
Năm 2018 Tổng thống Donald Trump đã quyết định đình chỉ một số cuộc tập trận chung lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc để tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên. Lâu nay, Bình Nhưỡng coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là diễn tập xâm lược Triều Tiên.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương được tổ chức ở Singapore vào tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí hợp tác hướng tới hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí xây dựng quan hệ mới và một chế độ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, song tiến trình này diễn ra chậm chạp do những bất đồng về mức độ Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa và những nhượng bộ của Washington.
Trung Quốc và Nga mới đây đã đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên, coi đây là một động thái giúp khuyến khích đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ./.