"Thế giới của chúng ta đang lâm nguy. Con người đang bị tổn thương và giận dữ. Họ phải chứng kiến tình trạng mất an ninh leo thang, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, xung đột lan rộng và hiện tượng biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng," Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã dùng những lời báo động này để bắt đầu bài phát biểu khai mạc kỳ họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trước toàn thể Đại hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh tới 7 thách thức mà thế giới đang phải đương đầu.
Trước hết, ông nhấn mạnh tới mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Theo ông, hàng triệu người trên thế giới đang phải sống trong nỗi sợ hãi trong bối cảnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Do đó, ông kêu gọi Triều Tiên và tất cả các nước thành viên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
[Đàm phán 6 bên vẫn là chìa khóa giải quyết hạt nhân Triều Tiên]
Thách thức thứ hai là mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Tổng Thư ký nhấn mạnh rằng Đại hội đồng đã thông qua một trong những sáng kiến cải cách đầu tiên của ông, đó là thiết lập Cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc. Ông kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để nhổ tận gốc chủ nghĩa cực đoan, tận dụng hết các công cụ của Liên hợp quốc và mở rộng cuộc chiến chống khủng bố.
Ông cho biết năm tới ông sẽ triệu tập hội nghị đầu tiên quy tụ những người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ đối tác quốc tế mới cho cuộc chiến chống khủng bố.
Thứ ba, Tổng Thư ký cảnh báo những cuộc xung đột chưa được giải quyết và tình trạng vi phạm một cách đồng bộ luật nhân đạo quốc tế. Ông khẳng định chỉ có giải pháp chính trị mới có thể mang lại hòa bình cho tất cả các cuộc chiến từ Syria tới Yemen, từ Nam Sudan tới Sahel, Afghanistan và nhiều nơi khác, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng sắc tộc ở bang Rakhine của Myanmar.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, thách thức thứ tư đến từ tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của loài người. Năm qua là năm nóng nhất trong lịch sử. Hàng triệu người và tài sản đang bị đe dọa do mực nước biển dâng cao và nhiều thiên tai khác. Do đó, ông hối thúc các chính phủ thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với quyết tâm lớn hơn bao giờ hết.
Thách thức thứ 5 được ông Guterres đề cập tới là tình trạng bất bình đẳng đang gây phương hại tới những nền tảng của xã hội và khế ước xã hội. Sự hội nhập của các nền kinh tế thế giới, mậu dịch mở rộng và những tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã đem lại nhiều lợi ích đáng kể song cũng kéo theo đó là tình trạng gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội và quyền tiếp cận những thành tựu của nghiên cứu và đổi mới.
Trong bối cảnh đó, ông nêu bật chương trình nghị sự 2030 như là một kế hoạch để những lợi ích của toàn cầu hóa được phân chia công bằng tới tất cả mọi người.
Mặt trái của đổi mới là mối đe dọa thứ 6 mà Tổng Thư ký xác định là thế giới đang phải đương đầu. Theo ông, công nghệ sẽ tiếp tục là trung tâm của quá trình chia sẻ sự tiến bộ, song cũng có thể mang lại những hậu quả ngoài mong muốn. Cụ thể là mối đe dọa an ninh mạng ngày càng leo thang.
Ông cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng trở thành một diễn đàn để các nước thành viên, xã hội dân sự, các công ty và giới học giả có thể thông qua đó cùng nhau thảo luận về các biện pháp giải quyết vấn đề an ninh mạng.
Cuối cùng, Tổng Thư ký nhấn mạnh tới thách thức đến từ hoạt động di cư. Ông cho rằng cần phải tái thiết lập cơ chế bảo vệ người tị nạn đồng thời kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Ông cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác để quản lý dòng người di cư đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn cho việc trấn áp nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.
Theo ông, cùng với dòng người tị nạn các xã hội ngày nay đang ngày càng trở nên đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo. Sự đa dạng này cần phải được xem như là tài nguyên, chứ không phải là mối đe dọa.
Kết thúc bài phát biểu ông tái cam kết quyết tâm cải tổ Liên hợp quốc và cho biết tổ chức này đã bắt đầu nỗ lực cải cách toàn diện bao gồm: xây dựng một hệ thống phát triển để hỗ trợ các quốc gia cải thiện đời sống cho người dân; tăng cường khả năng của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh và nhân quyền; bắt đầu những tập quán quản lý theo hướng thúc đẩy những mục tiêu kể trên, thay vì cản trở chúng; thiết lập cơ chế ngăn chặn tình trạng binh sĩ gìn giữ hòa bình lạm dụng tình dục.
Kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 kéo dài từ ngày 19-25/9. Chủ đề của kỳ họp năm nay là "Chú trọng vào con người - Phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống có phẩm giá cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững"./.