Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/8 đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong gần sân bay tại thủ đô Kabul, Afghanistan.
Phát biểu với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh vụ việc cho thấy tình hình hỗn loạn tại Afghanistan, nhưng đồng thời củng cố thêm quyết tâm của thế giới trong việc ủng hộ và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân nước này.
Ông Dujarric thông tin thêm không có nhân viên Liên hợp quốc nào trong số các nạn nhân.
Tổng thư ký Guterres dự kiến họp với đại sứ các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga về tình hình Afghanistan vào ngày 31/8.
Trước đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận là thủ phạm. Trên mạng xã hội Telegram, nhánh truyền thông Amaq thuộc IS xác nhận đối tượng đánh bom liều chết của tổ chức này "đã tiếp cận được đám đông phiên dịch và cộng tác viên, cùng với quân Mỹ tại Trại Baran gần sân bay Kabul và kích hoạt đai nổ."
Theo Amaq, 60 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Trong phản ứng của mình, Taliban đã lên án những vụ nổ đẫm máu trên. Tuyên bố được ông Zabihullah Mujahid - người phát ngôn chính của Taliban đăng tải trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: "Tiểu vương quốc Hồi giáo lên án hành vi đánh bom nhằm vào dân thường tại sân bay Kabul. Vụ nổ xảy ra ở khu vực mà các lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh... Những thông tin ban đầu của chúng tôi cho thấy có 13 đến 20 người thiệt mạng và 52 người bị thương."
[Tình hình Afghanistan sau hai vụ nổ bom đẫm máu tại Kabul]
Trong khi đó, kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Abdul Qahar Balkhi - ủy viên ủy ban văn hóa của Taliban khẳng định vụ tấn công là một hành động khủng bố và phải bị toàn thế giới lên án, đồng thời đổ lỗi cho sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến vụ việc.
Quan chức Taliban nói: "Ngay khi tình hình sân bay được làm rõ và các lực lượng nước ngoài rời đi, chúng tôi sẽ không còn phải chứng kiến những vụ tấn công như vậy."
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc. Ông Michel nhấn mạnh: "Bảo vệ hành lang an toàn tới sân bay vẫn là yêu cầu sống còn. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng tình trạng bất ổn hiện nay không được phép tạo ra cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố ngóc đầu trở lại."
Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết các lực lượng đồng minh sẽ tiếp tục sơ tán nhiều người nhất có thể khỏi thủ đô Kabul, bất chấp sự cố mà ông gọi là một "vụ tấn công khủng bố kinh hoàng."
Trong một diễn biến liên quan, Italy và Tây Ban Nha cũng đã lên án vụ tấn công. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã "bày tỏ niềm tiếc thương đối với những nạn nhân không qua khỏi và tình đoàn kết với những người bị thương. Italy cực lực lên án những vụ tấn công này."
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh: "Tây Ban Nha kiên quyết lên án vụ tấn công... Xin được bày tỏ tình đoàn kết chân thành của chúng tôi với các nạn nhân... Cộng đồng quốc tế ủng hộ nhân dân Afghanistan, đảm bảo các quyền lợi và nhân phẩm của họ. Chúng tôi đang nỗ lực sơ tán nhiều người nhất có thể."
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lên án "vụ tấn công đáng khinh bỉ nhằm vào dân thường vô tội và những người chỉ đang tìm kiếm sự an toàn khỏi tình hình khó khăn và bất ổn ở Afghanistan."
Bà cũng cho biết chuyến bay sơ tán cuối cùng của nước này đã cất cánh trước khi xảy ra vụ việc.
Trong phản ứng của mình, sau vụ tấn công trên, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps đã khuyến cáo các hãng hàng không tránh bay ở độ cao dưới 7.620m khi đi qua lãnh thổ Afghanistan./.