Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, ngày 3/3 kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo vệ thiên nhiên hoang dã.
Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới bảo vệ động, thực vật hoang dã thế giới 3/3, ông Guterres kêu gọi tất cả các nước hãy biến cam kết thành hành động.
Ông nhấn mạnh: “Vào Ngày Thế giới bảo vệ động, thực vật hoang dã thế giới, chúng ta nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sự đa dạng tuyệt đẹp của sự sống trên hành tinh này… Các hoạt động của con người đang thải rác ra rừng, biển, sông, hồ vốn trước đây màu mỡ cho sự phát triển của thiên nhiên. Một triệu loài đang đứng bên bờ tuyệt chủng vì môi trường sống bị phá hủy, ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.”
[Bảo vệ động vật hoang dã: Cần ‘cái bắt tay’ trách nhiệm từ cộng đồng]
Tổng Thư ký kêu gọi “cần chấm dứt cuộc chiến chống thiên nhiên."
Tin tốt là loài người có công cụ, tri thức và giải pháp. Năm nay đánh dấu 50 năm ký kết Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), văn kiện giúp bảo vệ hàng ngàn loài động vật và cây cối.
Và thỏa thuận Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đạt được tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Canada cuối năm 2022 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng để chữa lành cho hành tinh.
Tổng Thư ký cho biết như chủ đề của năm nay “Đối tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã” đã nhấn mạnh, chúng ta cần phối hợp giữa các chính phủ, người dân và lĩnh vực tư nhân để biến cam kết thành hành động.
Ông nói: “Và chúng ta cần hành động mạnh hơn nhiều để cắt giảm khí thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và xây dựng khả năng phục hồi khí hậu (tức là năng lực của các hệ sinh thái, kinh tế và xã hội ứng phó với một sự kiện hoặc xu hướng nguy hiểm hoặc sự xáo trộn).”
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần đề cao tiếng nói của các cộng đồng địa phương và người dân bản địa, những người bảo vệ đa dạng sinh thái hiệu quả nhất./.